1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Rầm rộ sàn vàng chui

Đã hơn 1 năm kể từ khi lệnh cấm các hoạt động sàn giao dịch vàng có hiệu lực nhưng các sàn chui vẫn diễn ra rầm rộ. Mạng lưới chân rết vẫn được mở rộng trên toàn quốc.

“Chị ơi, cho em nói chuyện 3 phút được không ạ. Em là nhân viên Công ty tư vấn M.Đ. Được biết trước đây chị tham gia sàn vàng nên em mời chị tham gia sàn của công ty em mới mở ạ”, một giọng nữ mời tôi qua điện thoại tham gia vào sàn vàng. Tôi từ chối khéo do đang bận họp. Vài ngày sau, cô nhân viên này lại điện đến với những lời chào mời cũ. Câu trả lời của tôi vẫn là "không" nhưng những ngày sau đó, một nhân viên nam của công ty này lại gọi điện cho tôi mời tham gia sàn vàng của công ty. 

 

Rầm rộ sàn vàng chui - 1
NĐT vẫn bị vàng, ngoại tệ tài khoản cuốn hút

 

Tỷ lệ ký quỹ chỉ 1%

 

Có thể nói, thời gian qua, rất nhiều người bị nhân viên môi giới sàn vàng, ngoại tệ chèo kéo tham gia. Lý do là sau một thời gian hoạt động bí mật, các sàn vàng hiện nay phát triển như nấm và đang ngày càng công khai hơn.

 

Đơn cử như mạng lưới của Công ty Hồng Hối (sàn Hồng Hối) đã phát triển lên vài chục chi nhánh ở các tỉnh thành, tập trung chủ yếu tại TPHCM; hệ thống mạng lưới của IGI có mặt ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam ...

 

Không những vậy, Việt Nam đã xuất hiện trên “bản đồ” hoạt động của các sàn giao dịch ngoại hối nước ngoài như Easy-forex, Forex.com..., đặc biệt website của sàn Easy-forex còn có cả ngôn ngữ tiếng Việt để phục vụ nhà đầu tư (NĐT).

 

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các kênh đầu tư chính thức như chứng khoán, bất động sản... gặp khó khăn, việc mở rộng “chân rết” của các sàn vàng, ngoại tệ càng trở nên thu hút giới đầu tư bởi số tiền ký quỹ ngày càng nhỏ, chỉ khoảng 1% - 2%.

 

Chẳng hạn tại IGI chỉ cần 2 triệu đồng là có thể mua bán 5 lượng vàng (giá trị tương đương 183,3 triệu đồng); tại Hồng Hối, ký quỹ 20 triệu đồng, mua bán được 1 lot (tương đương 83 lượng vàng, giá trị hơn 3 tỉ đồng). Đánh vào tâm lý 1 vốn nhưng kiếm được đến 100 - 200 - 500 lời, các sàn đang ra sức lôi kéo NĐT. Đa số các sàn vẫn lấy “mác” kinh doanh vàng vật chất để qua mắt cơ quan chức năng. 

 

Rủi ro

 

Trên thực tế, việc dùng đòn bẩy tài chính thấp như con dao 2 lưỡi, đặc biệt trong thị trường vàng, ngoại tệ. “Sóng” vàng, ngoại tệ thường biến động mạnh, có lúc giá vàng tăng, giảm tới 1 - 2% trong ngày. NĐT đánh “ngược sóng” thì coi như “sóng vồ”, có thể “đứt” tài khoản như chơi.

 

Không chỉ thế, còn rất nhiều rủi ro, bất lợi cho phía các NĐT. Đơn cử như sau khi ký kết hợp đồng, NĐT sẽ đóng tiền vào tài khoản của công ty mở tại các ngân hàng và giao dịch. Khi nào NĐT cần rút tiền, báo trước với công ty để công ty chuyển tiền. Điều này bất lợi và rủi ro cho phía NĐT vì nếu công ty không cho rút thì cũng phải chấp nhận vì hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản bị cấm nên sẽ không có cơ quan nào đứng ra giải quyết khi NĐT đi khiếu nại, kiện tụng.

 

Một vấn đề quan trọng là thanh khoản của các sàn chui. Hầu hết các sàn đều khẳng định, không lo việc mất thanh khoản nhưng theo thú nhận của các nhân viên, khi thị trường xuất lệnh đi theo 1 chiều (khối lượng đặt mua nhiều hơn bán hoặc bán nhiều hơn mua) nhưng chủ sàn không dám ôm khối lượng dư, thủ thuật của họ là dùng biện pháp kỹ thuật, thông thường thì mạng tự dưng bị... đơ, NĐT cũng chịu chết.

 

Chưa sàn nào bị xử lý

 

Như trên đã nói, ngay sau khi kinh doanh vàng tài khoản bị cấm, sàn chui đã mọc lên và hoạt động ngày càng rầm rộ nhưng cho tới nay, chưa có một sàn nào bị cơ quan chức năng dẹp.

 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, NHNN chỉ mới dừng lại ở việc “báo cáo” lên UBND TPHCM, NHNN Trung ương, chưa có trường hợp nào bị xử lý bởi cơ chế quản lý hoạt động này không thuộc NHNN. Việc này đã được kiến nghị để có cơ chế cho NHNN có thể tham gia vào các hoạt động xử lý các sàn chui này.

 

Trong bài đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 3/4, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thống đốc NHNN cho biết, cả nước hiện có hàng nghìn doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh vàng, riêng Hà Nội và TPHCM đã có gần 4.000 DN. Bên cạnh các DN làm ăn nghiêm túc, một số DN lợi dụng chức năng môi giới kinh doanh vàng trong giấy phép tổ chức các sàn giao dịch vàng mini làm chân rết cho các sàn vàng lớn trước khi Chính phủ có quyết định đóng cửa các sàn vàng. Chức năng quản lý nhà nước về vàng còn bị phân tán do đó tạo nhiều kẽ hở trong quản lý.

 

Theo Thanh Xuân

Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm