Rầm rộ phát hành, niêm yết cổ phiếu

Khoảng một tháng gần đây, hàng loạt công ty nộp đơn lên Uỷ ban Chứng khoán nhà nước xin cấp phép niêm yết và phát hành thêm cổ phiếu. Ngoài yếu tố “chạy" ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trước thời điểm tháng 1/2007, sự phục hồi khả quan của thị trường chứng khoán (TTCK) cũng tạo sức hút đáng kể.

Chỉ khoảng 2 tuần trở lại đây, UBCKNN đã cấp phép cho 5 DN và xem xét hồ sơ của 9 DN khác. Ngày 10/10, hơn 12 triệu cổ phiếu (CP) của CTCP tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai cũng chính thức giao dịch. Tại sàn Hà Nội, thành viên thứ 16 lên sàn cùng ngày là CP của CTCP chế tạo bơm Hải Dương.

 

Thời cơ đã đến

 

Sự phục hồi trong hơn hai tháng qua sau 4 tháng giảm giá kỷ lục đã bắt đầu lấy lại sức hấp dẫn cho thị trường và niềm tin của nhà đầu tư (NĐT).

 

Yếu tố dễ nhận thấy nhất là tương quan cung cầu CP đã đảo ngược từ trạng thái tranh nhau bán sang tích cực mua vào do giá nhiều CP đã giảm xuống thấp hơn cả mức trước thời điểm tháng 4/2006 - thời điểm “chân dốc” của chu kỳ tăng nóng.

 

Tính đến ngày 10/10, chỉ số chứng khoán đã phục hồi được hơn 127 điểm. Chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau “cú sốc” vừa qua có điểm lợi là NĐT đã “dày dạn” hơn rất nhiều, đưa ra quyết định mua bán cẩn trọng hơn, biểu hiện là không còn tình trạng tăng trần ồ ạt và giảm sàn lũ lượt qua từng phiên.

 

Xét về tâm lý NĐT cũng như cung cầu thị trường, đây là thời điểm thuận lợi để đưa CP vào thị trường vì tiềm năng tăng trưởng sẽ chắc chắn hơn khi xuất phát điểm giá hợp lý.

 

Hầu hết những CP lên sàn đúng vào lúc thị trường sốt đều nhanh chóng bị cơn lũ giảm giá sau đó cuốn theo. Hiện hàng loạt công ty niêm yết đã bắt đầu quay lại kế hoạch phát hành thêm CP để tăng vốn như Sacombank, REE, DHA...

 

Những chuyển động vĩ mô

 

Tháng 9 và đầu tháng 10 là thời điểm TTCK đón nhận nhiều thông tin tốt nhất. Trước hết là những đánh giá rất tốt của nhiều tổ chức tài chính uy tín trên thế giới như Merill Lynch, Ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải (HSBC).

 

Mới đây tại Hội nghị thường niên về đầu tư chứng khoán thường niên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - tổ chức tại New York (Mỹ) - đã có hẳn một phiên họp chuyên đề về VN với tên gọi “Bắt tay với Việt Nam - con rồng đang bay lên”.

 

Khoảng 100 NĐT quốc tế đã tham dự phiên họp. Có lẽ đây là đợt “quảng cáo” thành công nhất cho TTCK Việt Nam với những diễn giả là NĐT đã thành công tại thị trường này như đại diện Quỹ đầu tư Dragon Capital.

 

Kết quả thực tế từ những nhận định trên là sự tham gia của một loạt tổ chức tài chính quốc tế như KIMT - Công ty tín thác đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc - khai trương văn phòng đại diện tại TPHCM ngày 21/9, với hai quỹ tại Hàn Quốc có tổng vốn khoảng 100 triệu USD, chuyên đầu tư vào TTCK Việt Nam.

 

Ngày 26/9, một đoàn chuyên gia cao cấp của Tập đoàn tài chính Merill Lynch cũng đã tới khảo sát thị trường. Tính đến nay, Merill Lynch đã chuyển sang Việt Nam khoảng 5 triệu USD để giao dịch thử nghiệm.

 

Ông Trần Đắc Sinh - Giám đốc TTGDCK TPHCM - cho biết: Thời gian gần đây, mỗi tháng trung tâm đón tiếp khoảng 20 đoàn NĐT nước ngoài đến tìm hiểu chính sách, phương thức đầu tư vào TTCK.

 

Từ khía cạnh chính sách, một văn bản hết sức quan trọng đã được ban hành hồi đầu tháng 10 là Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

 

Nghị định đã quy định danh mục đầu tư có điều kiện đối với NĐT nước ngoài. Điều này có nghĩa là sẽ không giới hạn tỉ lệ nắm giữ CP (hiện là 49%) của các công ty niêm yết có lĩnh vực kinh doanh nằm ngoài danh sách này.

 

Hiện dự thảo quyết định thay thế Quyết định 36/2003/QĐ-TTg thống nhất quy định về việc góp vốn, mua cổ phần, mua lại DN Việt Nam của NĐT nước ngoài đang được trình Thủ tướng phê duyệt.

 

Việc không hạn chế tỉ lệ góp vốn nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, đồng thời khả năng Việt Nam gia nhập WTO trong thời gian ngắn nữa chắc chắn sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới trên TTCK.

 

Theo Hoàng Nguyên

Báo Lao động