So với thực tế chi tiêu ở khu vực thành thị hiện nay, thu nhập người đóng quỹ phải ít nhất từ 7 tới 10 triệu đồng/tháng mới có thể đáp ứng mức đóng quỹ nói trên.
Người thu nhập thấp thực sự có với tới nhà ở xã hội?
Quỹ không dành cho người có thu nhập thấp?
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Chính phủ phê duyệt Đề án Quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở, trong đó có quỹ Tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, Quỹ sẽ cho các đối tượng tham gia Quỹ vay để mua, thuê mua
nhà ở xã hội hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở khi có đủ 3 điều kiện sau: Đã đóng tiền vào Quỹ tối thiểu bằng khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở; đã tham gia đóng Quỹ tối thiểu từ 5 năm trở lên, với mức đóng được chia đều hàng tháng và thuộc diện được mua, thuê mua các loại nhà ở xã hội.
Mức tiền được vay thêm tối đa bằng 2 lần tổng số tiền đã đóng vào Quỹ. Mức vay cụ thể sẽ do Quỹ tại từng địa phương tính toán căn cứ vào nguồn vốn,
giá nhà tại địa phương..
Theo tính toán một số doanh nghiệp, nếu
mua nhà ở xã hội trên dưới 1 tỷ đóng 30% trong 5 năm thì mỗi tháng người mua nhà phải đóng trên dưới 5 triệu đồng/tháng.
Còn trường hợp giá nhà ở xã hội “xuống” đến mức kỳ vọng có thể chấp nhận được là 500 triệu đồng/ căn hộthì trong vòng 5 năm người tham gia phải đóng số tiền 30 % giá trị nhà khoảng trên 160 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng sẽ phải đóng góp một khoản tiền khoảng trên 2,5 triệu đồng.
Anh Nguyễn Huy Hoàng là công chức nhà nước, đang thuê nhà ở phố Vọng (Hà Nội) khi được hỏi về khả năng đóng quỹ theo những điều khoản nêu trên cho hay: “Cả gia đình thu nhập của vợ chồng xấp xỉ 11 triệu/tháng. Tiền nhà đã mất 4 triệu. Ngoài ra còn tiền chi tiêu sinh hoạt cho gia đình ba người thì cùng lắm mỗi tháng chỉ để ra được hơn 1 - 2 triệu, chưa tính khi đau ốm, cưới xin.... Với số tiền ít ỏi này, tôi muốn tham gia cũng không thể”.
Theo anh Hoàng thì một số bạn bè của anh đã mua nhà ở Hà Nội ngoài số tiền ít ỏi mà họ tích lũy được thì tất cả đều trông vào “quỹ bố mẹ cho”.
Nhận định với mức thu nhập này, theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Với mức đóng quỹ này,một người phải thu nhập từ 8 tới hơn 10 triệu đồng mỗi tháng mới có thể có cơ hội vay quỹ, sở hữu nhà ở. Bộ Xây dựng nên gọi quỹ là hỗ trợ vốn cho người mua nhà chứ không nên gắn đối tượng người thu nhập thấp vào quỹ”.
Nên hỗ trợ trực tiếp người mua nhà
Ngoài khoản tiền thu nhập hàng tháng đóng vào quỹ cao thì với nhiều người, thời gian đóng quỹ bắt buộc phải ít nhất trong 5 năm cũng là rào cản lớn với những người thật sự có nhu cầu.
Chị Lan, một nhân viên truyền thông khi đọc bản dự thảo về quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội đã mừng thầm nghĩ rằng trường hợp chị cũng có cơ hội để mua được nhà. Điều mà chị băn khoăn là: “Với quy định theo tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội mà TP Hà Nội ban hành thì tôi cũng không đủ. Mặt khác, phải mất 5 năm mới được vay thì thì thời gian đó tôi đóng tiền nhà thuê cũng gần tương đương 30% tổng số tiền giá trị căn hộ đã nêu trong đề án. Nghĩa là bỏ ra gấp đôi số tiền này mới được vay vốn mua nhà”.
Chị Lan cho rằng, Nhà nươc nên tính toán để người tham gia quỹ có thể tiếp cận được với nguồn vốn mua nhà ngay, rồi sẽ trả dần trong những năm sau để tiết kiệm khoản tiền không nhỏ bỏ ra thuê nhà.
Theo TS Liêm, Nhà nước hiện nay nên ưu tiên, tạo cơ chế khuyến khích để các nhà đầu tư đẩy mạnh việc bán nhà giá rẻ để mọi người có nhu cầu đều có thể mua được nhà.
Ông Liên nhấn mạnh: “Ở Việt Nam thì người có thu nhập trung bình, khá đã mua được nhà đâu. Theo tôi nên hỗ trợ cho người có nhu cầu mua nhà theo nguyên lý: Nhà nước cho vay 80%, người thu nhập thấp phải có 20%. Việc họ để dành 20% này trong bao lâu là việc người mua”.
Ông Liêm cho rằng các nước khi thực hiện Quỹ hỗ trợ vốn cho người mua nhà thì họ cũng hỗ trợ theo nguyên lý 20-80 này. Cụ thể như sau:
Loại thứ nhất, bản thân chưa phải là người có thu nhập thấp nhưng chưa có đủ tiền mua nhà, ví dụ như kỹ sư mới ra trường. Những người nào có thu nhập ổn định và có nguyện vọng thì Nhà nước cho vay tiền mua nhà rồi trả dần cho nhiều năm. Vật thế chấp đó chính là căn hộ đã mua. Người mua nhà không trả được tiền mua nhà thì Nhà nước sẽ thu hồi lại căn hộ này để bán lấy tiên trả lại phần tiền người mua đã nộp.
Thứ 2, dành cho người thu nhập thấp mua nhà, người mua cũng phải có tiền 20% giá trị nhà. Người mua nhà theo giá thị trường, đây chỉ là căn hộ giá thấp. Người mua nhà phải có 20% giá trị nhà, số tiền còn lại ngân hàng cho vay để trả một lúc cho người bán nhà. Số tiền 80% trả cho người bán nhà sẽ trả dần nhiều năm tính lãi suất thấp của ngân hàng.
Thủ tướng quyết định mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở thương mại Ngoài mô hình Quỹ Tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội đã khá rõ ràng về tổ chức và thực hiện thì ở hình thứ hai là hai thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở để cho các cá nhân, hộ gia đình trong nước vay mua nhà ở thương mại lại tương đối sơ sài. Theo bộ xây dựng, quỹ thứ 2 này chủ yếu tập trung cho đối tượng có thu nhập từ trung bình trở lên vay. Việc huy động vốn, cơ chế cho vay, tính lãi suất huy động, lãi suất cho vay, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính, nguyên tắc hoạt động của Quỹ tiết kiệm nhà ở này do Thủ tướng quyết định. Bộ Xây dựng đề xuất giao UBND thành phố Hà Nội và UBND TPHCM thành lập 2 mô hình tiết kiệm nhà ở cho người có thu nhập thấp và cá nhân, hộ gia đình khác nhu cầu mua nhà ở thương mại. Dự kiến, quỹ sẽ vận hành từ đầu năm 2013. |
Thông Chí