Đóng 30% vào quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ được mua nhà xã hội

(Dân trí) - Người có thu nhập thấp nếu đóng tiền tối thiểu từ 5 năm trở lên chia đều theo hàng tháng bằng 30% số tiền mua nhà sẽ được vay quỹ với lãi suất thấp.

Quỹ Tiết kiệm phát triển nhà ở xã
Quỹ Tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội sẽ mở ra cơ hội cho người thu nhập thành thị sở hữu nhà?
 
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Chính phủ phê duyệt Đề án Quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở. Trong đó có quỹ Tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội.
 
Theo đó, Quỹ sẽ cho các đối tượng tham gia Quỹ vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở khi có đủ 3 điều kiện sau: đã đóng tiền vào Quỹ tối thiểu bằng khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở; đã tham gia đóng Quỹ tối thiểu từ 5 năm trở lên, với mức đóng được chia đều hàng tháng và thuộc diện được mua, thuê mua các loại nhà ở xã hội.
 
Mức tiền được vay thêm tối đa bằng 2 lần tổng số tiền đã đóng vào Quỹ. Mức vay cụ thể sẽ do Quỹ tại từng địa phương tính toán căn cứ vào nguồn vốn, giá nhà tại địa phương..

Việc cho vay được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên, ai có thời gian đóng dài hơn thì được ưu tiên vay trước.

Về thời gian trả nợ: người vay phải trả đều hàng tháng cho Quỹ trong thời hạn tối đa là 15 năm, tính từ ngày được vay thêm để mua, thuê mua hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Lãi suất huy động của Quỹ thấp hơn lãi suất thương mại và bảo đảm ổn định trong một thời hạn nhất định theo từng gói tiết kiệm do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định (dự kiến từ 5% đến 7%). Lãi suất cho vay tối đa bằng lãi suất huy động cộng (+) thêm 1,5% chi phí quản lý (mức phí này tương đương với mức thu thấp nhất của mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở tại một số nước trên thế giới).

Trong trường hợp người tham gia Quỹ không có nhu cầu vay để tạo lập hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì sẽ được Quỹ thanh toán cả gốc và lãi nhưng mức lãi suất được hưởng sẽ cao hơn lãi suất mà Quỹ huy động là 2%/năm.

Trước mắt, Quỹ được thành lập và hoạt động tại 2 địa phương có nhu cầu bức xúc về nhà ở là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sau một thời gian thực hiện (khoảng sau 07 năm, trong đó thời gian đóng Quỹ là 5 năm và 2 năm là thời gian thực hiện cho vay) thì Bộ Xây dựng sẽ sơ kết, đánh giá để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng rộng rãi tại các địa phương khác trong cả nước.
 
Thông Chí