Quy mô thị trường chứng khoán tăng vượt bậc
Số lượng cổ phiếu mới lên sàn trong tháng 7/2006 tăng thêm 3.500 tỉ đồng, góp phần đưa vốn niêm yết trên thị trường chứng khoán tại TPHCM lên 8.100 tỉ đồng (tính theo mệnh giá gốc)
Cuối tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) TPHCM đón nhận thêm một thành viên mới lên sàn giao dịch. Đó là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (mã chứng khoán SJS). Đây là mặt hàng thứ 2 trong hàng loạt mặt hàng khác đã và đang được đưa lên sàn giao dịch trong tháng 7 này.
Tăng kịch trần
Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu SJS đã đạt mức giá 100.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp 10 lần so với mệnh giá gốc. Đây là phiên giao dịch để lấy giá tham chiếu nên chỉ khớp lệnh 1 lần. Kết thúc phiên giao dịch có 43.790 cổ phiếu được mua bán thành công. Sang hôm sau cổ phiếu này tăng kịch trần lên 105.000 đồng/cổ phiếu.
Được biết, SJS có vốn điều lệ hiện tại là 50 tỉ đồng, nhưng vốn tự có lên đến 420 tỉ đồng. Trong năm 2005 công ty này đạt tỉ lệ lợi nhuận siêu hạng (chiếm 50%/doanh thu cả năm). Do làm ăn hiệu quả cao nên cổ phiếu của SJS đang được nhiều nhà đầu tư chờ đón.
Ngay ngày đầu tiên lên sàn, SJS đã góp phần kích hoạt làm cho TTCK tăng thêm 5,46 điểm so với hôm trước. Hiện nhiều nhà đầu tư đang háo hức “tập kết” tiền chuẩn bị cho việc cạnh tranh mua cổ phiếu này trong những phiên tới.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng sau ngày chào sân, cổ phiếu SJS sẽ tăng mạnh, vì nhà đầu tư sẵng sàng mua SJS với giá cao để hưởng lợi từ việc chia tách cổ phiếu trong thời gian tới.
Có thêm nhiều hàng tốt
Theo kế hoạch, trong tháng 7 sẽ có hàng loạt công ty lên sàn giao dịch. Đáng kể nhất là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) sẽ giao dịch phiên đầu tiên vào ngày 12/7.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, cho biết: “Đây là ngân hàng TMCP có số vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, hiện đạt gần 1.900 tỉ đồng. Sau khi lên sàn vài tháng, ngân hàng này còn phát hành thêm hơn 300 tỉ đồng nữa, để đưa vốn điều lệ trước cuối năm nay lên 2.200 tỉ đồng.
Để chuẩn bị cho việc cạnh tranh khi hội nhập với WTO, từ nhiều năm nay Sacombank đã tập trung mở rộng mạng lưới bán lẻ khắp cả nước, xây dựng đội ngũ nhân lực, tăng mức vốn tự có, đầu tư vốn vào 74 doanh nghiệp cổ phần khác...”.
Trên thị trường tự do, cổ phiếu Sacombank hiện đang giao dịch với giá 75.000 đồng. Do là ngân hàng cổ phần đầu tiên niêm yết nên nhiều người dự báo cổ phiếu của Sacombank sẽ tạo ra sự hấp dẫn mới cho các nhà đầu tư.
Mặt hàng có số lượng lớn tiếp theo là Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, vốn điều lệ 1.250 tỉ đồng. Sau một thời gian đăng ký giao dịch trên sàn Hà Nội thấy không hấp dẫn, Vĩnh Sơn - Sông Hinh quyết định chuyển vào niêm yết trên sàn TPHCM, và sẽ giao dịch phiên đầu tiên vào ngày 18/7.
Còn cổ phiếu Công ty Nhựa Bình Minh, vốn điều lệ hiện tại là 107 tỉ đồng, cũng được giới đầu tư săn lùng mạnh. Mặc dù chưa lên sàn, điều kiện thị trường khó khăn, nhưng trong thời gian qua Bình Minh làm ăn đạt hiệu quả cao.
Năm 2005 Bình Minh đạt lợi nhuận sau thuế 66,9 tỉ đồng, bằng 62,5%/vốn điều lệ. Đây là một những những công ty có tỉ suất lợi nhuận siêu cao. Vì vậy, trước khi lên sàn cổ phiếu này đã có giá cao gấp 7 lần so với mệnh giá...
Mức vốn hóa đạt 40.500 tỉ đồng
Ngoài ra, do nhu cầu phát triển ngày càng tăng nên nhiều công ty trên sàn cũng phát hành thêm cổ phiếu ngay trong tháng 7 này cũng sẽ góp phần làm cho quy mô vốn trên TTCK TPHCM tăng lên vượt bậc. Đến nay tổng giá trị cổ phiếu niêm yết trên TTCK tại TPHCM (ra đời cách nay gần 6 năm) đạt 4.600 tỉ đồng.
Nếu cộng với số lên sàn trong tháng 7 này thì tổng giá trị cổ phiếu niêm yết toàn thị trường sẽ đạt hơn 8.100 tỉ đồng (tính theo mệnh giá gốc). Trong đó vốn niêm yết trong tháng 7 chiếm khoảng 3.500 tỉ đồng (gần 43%). Mức tăng này nhiều hơn tổng vốn niêm yết của toàn thị trường trong 5 năm đầu tiên.
Chỉ số VN Index hiện nay dao động xung quanh mức 500 điểm (gấp 5 lần so với mệnh giá), như vậy tổng vốn hóa TTCK TPHCM sắp lên đến 40.500 tỉ đồng.
Theo Trần Phú Minh
Báo Người lao động