Quy mô doanh nghiệp Nhà nước tương đương 80% GDP!
(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh đánh giá, so với thông lệ quốc tế (quy mô DNNN chỉ tương đương 15% GDP) thì tỷ lệ này ở Việt Nam là quá lớn. Nguồn lực tập trung vào một số Tập đoàn, Tổng công ty dẫn tới rủi ro cao cho nền kinh tế.
DNNN được hưởng nhiều ưu đãi về chính sách
Doanh nghiệp Nhà nước làm “biến dạng” thị trường!
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh thì chỉ ra rằng, so với thông lệ quốc tế (quy mô DNNN chỉ tương đương 15% GDP) thì tỷ lệ này ở Việt Nam là quá lớn. “Không thể nghĩ ra cách thức quản trị nào hiệu quả bằng cách giảm quy mô tài sản của DNNN”.
Nhìn chung quy mô của khối DNNN trong nền kinh tế rất lớn. Vốn chủ sở hữu khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. Nợ phải trả 1,7 triệu tỷ đồng. Theo đánh giá của ông Phạm Đức Trung, con số nợ này là rất lớn. Nếu theo cách tính thông lệ: nợ công bao gồm của nợ DNNN thì nợ công của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi. Qua đó cho thấy vai trò DNNN ở Việt Nam hiện nay không nhỏ.
Ông Trung cũng đưa ra đánh giá, mặc dù số lượng DNNN lớn nhưng nguồn lực lại chỉ tập trung vào 8 tập đoàn kinh tế với mục tiêu trước đây khi thành lập là tạo nên những “quả đấm thép” cho nền kinh tế. Doanh thu của nhóm này đạt 1,7 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 180 nghìn tỷ đồng.
Đại diện CIEM nhận xét, mặc dù hệ thống pháp luật đã nỗ lực đặt DNNN trong cùng một khung khổ chung với doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân song trên thực thi và ứng xử của Nhà nước và các chủ thể khác vẫn tạo ra nhiều ưu thế, đặc quyền, đặc lợi cho một bộ phận DNNN trong nhiều lĩnh vực. Quan điểm phần lớn người dân cho rằng chỉ DNNN mới làm được sản phẩm dịch vụ công ích, gây biến dạng thị trường!
“Quá lớn để sụp đổ!”
Nói về những hình thức biến dạng chủ yếu trên thực tế của DNNN thời gian quan, ông Trung cho rằng, khối doanh nghiệp này tăng chi phí và tạo rào cản gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp khác. DNNN được ưu tiên tiếp cận vốn vay; trong hoạt động sản xuất kinh doanh chưa tính đúng tính đủ chi phí. Hơn nữa, DNNN cũng chưa bị giải thể phá sản một cách bình đẳng như các khu vực khác; thiếu ràng buộc ngân sách và kỷ luật tài chính…
Ông Trung dẫn chứng, trong nền kinh tế Việt Nam hiện tại, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thống lĩnh, chi phối nhiều thị trường quan trọng như điện, xăng dầu khoáng sản, dịch vụ viễn thông, vận tải hàng không nội địa… Điều này khiến doanh nghiệp tư nhân khó gia nhập vào các thị trường này bởi những giấy phép kinh doanh có điều kiện, không đủ quy mô và cũng không nguồn lực để cạnh tranh sòng phẳng.
Thêm vào đó, việc một số Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước được ưu đãi, tạo điều kiện vay vốn ngân hàng khiến nguồn lực tập vào một số DNNN, dẫn tới rủi ro cao. Những DNNN “quá lớn để sụp đổ, không đụng chạm được vào”.
Lý do của tình trạng này là khi cho DNNN vay vốn, các ngân hàng thương mại kỳ vọng vào sự an toàn, bởi nếu doanh nghiệp không trả được nợ đã có Nhà nước trả. Mặt khác, bản thân hoạt động này cũng nhận được sự chỉ đạo, chỉ định của Nhà nước. Bằng chứng là giai đoạn năm 2010-2014 có tới 22 văn bản chỉ đạo cho phép DNNN vay.
Thống lĩnh nhiều lĩnh vực quan trọng song cơ chế định giá sản phẩm, dịch vụ của nhiều DNNN vẫn chưa theo nguyên tắc thị trường mà theo chi phí bình quân dài hạn trên cơ sở chi phí thống kê hạch toán giá thành thiếu độ tin cậy. Ông Trung nhận xét, giá các sản phẩm dịch vụ công ích dựa trên cơ sở định mức lạc hậu, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn, là một trong những nguyên nhân chưa tạo động lực để doanh nghiệp khác tham gia.
Đáng chú ý là các DNNN vi phạm nguyên tắc ràng buộc chi tiêu và kỷ luật mua sắm mà không bị xử lý. Năm 2013 có 41/108 tập đoàn, tổng công ty có nợ phải trả lớn hơn 3 lần vốn chủ sở hữu, mất an toàn, nguy cơ đổ vỡ cao. Thế nhưng, các doanh nghiệp lại không bị xử lý, đó là biểu hiện của kỷ luật tài chính không nghiêm – ông Trung nói.
Tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, sự phân biệt đối xử giữa DNNN với DNNN, giữa DNNN với các doanh nghiệp khác gây ra những méo mó của thị trường, tạo nên rào cản đối với cải cách và phát triển kinh tế quốc gia.
Ông Cung chỉ ra vòng luẩn quẩn khi coi kinh tế nhà nước là chủ đạo, hàm ý DNNN là then chốt, là bộ phận quan trọng nhất của kinh tế nhà nước thì DNNN phải lớn, không thể thu hẹp. Khi không thể thu hẹp, DNNN không thể cổ phần hóa, tư nhân hóa quy mô lớn, không thể để cho phá sản và chúng quá lớn để có thể đổ vỡ. Và Vinashin là ví dụ!
Bích Diệp