1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Quỹ đầu tư nước ngoài "nằm chờ" cơ hội

(Dân trí) - Dragon Capital, quỹ đầu tư lớn nhất hiện nay ở Việt Nam, đang khẳng định rằng việc chính phủ đưa thêm cổ phiếu ra thị trường sẽ có tác dụng hạ nhiệt thị trường chứng khoán Việt Nam, thị trường có giá cổ phiếu đắt nhất ở châu Á.

Bill Stoops, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của quỹ Dragon, có trụ sở tại TPHCM, cho rằng việc tăng nguồn cung là một cách làm hợp lý và sẽ được hoan nghênh nhằm hạ nhiệt thị trường. Đây sẽ là một mũi tên bắn trúng hai đích. Dragon đang bán cổ phiếu mình sở hữu để tăng nguồn tiền mặt, chờ khi giá cổ phiếu giảm sẽ lại dùng số tiền đó để mua vào.

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thêm vào đó là việc đầu năm nay Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

 

Dù gần đây giảm xuống, nhưng chỉ số VN-Index của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSTC) đã tăng 39% trong năm 2007, sau khi đã tăng tới 145% vào năm ngoái. Theo Dragon, chỉ số này được định giá ở mức cao gấp 36 lần lợi nhuận ước tính trong năm nay, cao hơn chỉ số CSI 300 của Trung Quốc, chỉ số được định giá gấp 32,4 lần lợi nhuận. Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cao thứ 2 ở châu Á.

 

Mức tăng của chỉ số VN-Index trong năm nay chỉ đứng thứ 2 ở châu Á, sau mức 49% của chỉ số CSI 300. Tuy nhiên, VN-Index đã giảm 11% so với mốc kỷ lục 1.170,67 điểm của ngày 12/3.

 

Tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào tháng trước, ông Dean van Drasek - Giám đốc Điều hành Công ty tư vấn LIM Advisors tại Hồng Kông và ông Fiachra MacCana - Giám đốc nghiên cứu của Quỹ đầu tư VinaCapital cho rằng thị trường sẽ giảm ít nhất là 30% trong vài tháng tới.

 

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank, 18 trong số 107 cổ phiếu mã chứng khoán niêm yết tại sàn TPHCM được định giá cao gấp hơn 50 lần lợi nhuận.

 

Ông Lavin Mok, Giám đốc văn phòng tại Hồng Kông của Công ty Quản lý Quỹ dự phòng Tremont, nói “Chúng tôi thấy lo ngại trước sự định giá này. Chúng tôi vẫn đang ngần ngại tham gia thị trường trong thời điểm này”.

 

Ông Kevin Snowball của Công ty Quản lý quỹ PXP Vietnam tại TPHCM quyết định không đổ thêm tiền vào thị trường cho đến khi có thêm mục tiêu để đầu tư.

 

“Chúng tôi sẽ sử dụng các nguồn quỹ của mình khi nhận thấy thị trường đang phát triển hợp lý. Thậm chí nếu ai đó ném cho chúng tôi 500 triệu USD thì chúng tôi cũng không nhận,” ông Snowball nói.

 

Đây là quan điểm chung của các công ty quản lý quỹ đang hoạt động tại Việt Nam. Cũng trong cuộc họp vừa diễn ra tại Hà Nội, John Shrimpton, người đã cùng với ông Dominic Scriven lập ra quỹ đầu tư Dragon Capital vào năm 1994, cho biết việc phát hành thêm chứng chỉ quỹ là cách tốt nhất mà quỹ có thể làm để giúp hạ nhiệt thị trường.

 

Giá trị cổ phiếu niêm yết trên HoSTC đã tăng lên 14,8 tỷ USD so với mức 500 triệu USD vào cuối năm 2005. Số công ty niêm yết trên sàn đã tăng hơn 2 lần trong 6 tháng qua lên 107 công ty. Đa phần là các công ty trước đây thuộc sở hữu nhà nước. Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, doanh nghiệp lớn thứ 4 trên VN-Index, phần lớn vẫn thuộc sở hữu nhà nước.

 

Bà Lê Thị Băng Tâm, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính và hiện nay là Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cho biết với tư cách là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, SCIC đang giữ quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 450 công ty và đã đưa 17 công ty lên niêm yết tại thị trường chứng khoán.

 

SCIC đang phấn đấu tăng số doanh nghiệp chuyển giao về SCIC lên 1000 và đưa thêm ít nhất 20 công ty nữa ra thị trường chứng khoán. Mục tiêu của SCIC là chỉ kiểm soát từ 100 đến 200 công ty “chiến lược”. Do đó, đây sẽ là cơ hội lớn dành cho các nhà đầu tư.

 

“Vấn đề là bao lâu nữa chúng tôi có nguồn cung phù hợp thông qua quá trình cổ phần hóa. Một lượng tiền lớn đang chờ để đổ vào thị trường,” ông Bill Stoops nói.

 

Như Tùng

Theo Bloomberg News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm