Quốc hội đồng ý “rót” 4.000 tỷ đồng “giải cứu” Vietnam Airlines

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Nghị quyết kỳ họp thứ 10 của Quốc hội đã nhất trí đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), bị thiệt hại do Covid-19.

Chiều 17/11, trong phiên họp bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 10.

"Cứu" Vietnam Airlines

Theo Nghị quyết, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Quốc hội nhất trí cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán và Chính phủ.

Nghị quyết cũng nêu rõ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua; đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định;

Quốc hội đồng ý “rót” 4.000 tỷ đồng “giải cứu” Vietnam Airlines - 1
Quốc hội đồng ý “rót” 4.000 tỷ đồng “giải cứu” Vietnam Airlines

Theo Nghị quyết, Vietnam Airlines tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình về việc này, trong đó có ý kiến đề nghị ghi rõ 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vấn đề nêu trên thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nên để Chính phủ chủ động trong việc tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines theo tình hình thực tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thể hiện quan điểm để bảo đảm việc tổ chức thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, rất cần có quy định về công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với vấn đề này.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện Vietnam Airlines đang xây dựng Đề án cơ cấu lại để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mục tiêu của đề án nhằm xử lý giảm lỗ và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Quốc hội giao nhiều nhiệm vụ cho Chính phủ

Cũng trong Nghị quyết này, Quốc hội cơ bản tán thành các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.

Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, có giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại đã chỉ ra để thực hiện các mục tiêu, cân đối lớn, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2021 - 2025.

Chính phủ được đề nghị tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với việc nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng;

Phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nâng cao chất lượng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; đánh giá sâu hơn về quy mô thu ngân sách, tỷ lệ huy động, cơ cấu chi, bội chi và giải pháp giảm bội chi, trần nợ công, khả năng vay, trả nợ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí; giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; chú trọng các yếu tố để bảo đảm phát triển bền vững.

Quốc hội đề nghị việc bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức, thứ tự ưu tiên theo quy định. Ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia, dự án giao thông có tính liên kết vùng, tuyến đường cao tốc, đường ven biển…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm