1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Quảng Trị: Nợ xấu tăng cao, chiếm 4,07%/tổng dư nợ

(Dân trí) - Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Trị, nợ xấu đến giữa tháng 5/2020 tăng cao, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến khả năng trả nợ của khách hàng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 15/5/2020, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn là 35.213 tỉ đồng, trong đó, dư nợ trung dài hạn là 19.489 tỉ đồng.

Đặc biệt, nợ xấu đến thời điểm ngày 15/5/2020 tăng cao. Cùng kỳ năm ngoái (vào tháng 5/2019) dư nợ xấu là 333,16 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 0,98%/tổng dư nợ, năm nay dư nợ xấu tăng lên 1.431,19 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 4,07%/tổng dư nợ.

Trong đó, 2 Ngân hàng TMCP nhà nước chiếm tỷ trọng nợ xấu cao nhất, là Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển có dư nợ xấu lên đến 911,74 tỉ đồng, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương có dư nợ xấu 384,30 tỉ đồng.

Quảng Trị: Nợ xấu tăng cao, chiếm 4,07%/tổng dư nợ - 1

Gần đây, báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị về tình hình thực hiện đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” và tình hình 6 tháng đầu năm 2020 cũng thể hiện tình hình nợ xấu gia tăng.

Đến thời điểm 30/4/2020, nợ xấu tính theo Nghị quyết 42/2017 (bao gồm tổng các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, được giữ nguyên nhóm nợ, nợ xấu đã bán cho VAMC) của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 461.195 triệu đồng; tổng nợ xấu đã xử lý được 468.978 triệu đồng.

Nợ xấu chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thi công, xây lắp công trình, kinh doanh xăng dầu, mua bán vật liệu xây dựng, một số khách hàng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67…

Đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng gặp khó khăn, dự đoán nợ xấu sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Đối với nợ xấu của các khoản cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về phát triển thủy sản có xu hướng tăng lên; một phần do khó khăn trong quá trình đánh bắt xa bờ, phần do khách hàng chây ì trả nợ.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, quyết liệt thu hồi nợ xấu tồn đọng; Tiến hành rà soát tình hình xử lý nợ xấu đối với từng tổ chức tín dụng. Đối với trường hợp nợ xấu không có khả năng trả hoặc chây ì thì áp dụng các biện pháp xử lý tài sản để thu hồi nợ.

Các tổ chức tín dụng quan tâm đối với khách hàng đang gặp khó khăn nhưng có khả năng phục hồi, khách hàng gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh… cần có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ, tránh phát sinh nợ xấu trong tương lai.

Với những trường hợp này cần đánh giá chất lượng từng khoản nợ, tình hình thực tế của khách hàng; xem xét việc miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng có thiện chí trả nợ tốt, đủ điều kiện theo quy định.

Đăng Đức