Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG: Chuyên gia nêu bí kíp

Thanh Thương

(Dân trí) - Theo chuyên gia, doanh nghiệp, việc quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG cần phải thực hiện theo lộ trình xuyên suốt và có thứ tự ưu tiên theo từng giai đoạn.

Những hình ảnh tại hội thảo về Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG do báo Dân trí tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo "Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG - Làm gì, từ đâu?" do báo Dân trí tổ chức sáng 29/8, PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - đã đưa ra dẫn chứng về việc quản trị doanh nghiệp theo ESG ngay tại trường đại học.

"Quản lý chi phí là điều chủ các doanh nghiệp cần phải lưu ý. Trường Đại học Ngân hàng cũng hoạt động như mô hình doanh nghiệp và chúng tôi cũng thực hành quản trị theo định hướng ESG", ông nói.

Biến chi phí ESG thành lợi nhuận

Theo đó, ông Trung cho biết trường đã có kế hoạch triển khai sử dụng năng lượng sạch bằng cách lắp điều hòa, sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời nhờ đó mà có thể mở điều hòa thoải mái, tiết kiệm chi phí.

"Sinh viên thời nay thích được ngồi trong điều hòa, không gian xanh mát. Từ đó, chúng tôi hình thành văn hóa hướng đến môi trường xanh thân thiện, nhất là có cây xanh trong các không gian tại trường học. Hạnh phúc là sinh viên có thể đến trường, ngồi học cả ngày ở thư viện", ông Trung chia sẻ. 

Lấy ví dụ tại tập đoàn quốc tế Unilever - đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm vệ sinh, xà phòng, ông Trung cho biết đơn vị này quan niệm sống là an toàn và bền vững, biến chi phí ESG thành lợi nhuận. Hay CT Group biến các chi phí thành tiền, tín chỉ carbon chính là tiền xanh.

Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG: Chuyên gia nêu bí kíp - 1

Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG cần lưu ý đến quản lý chi phí (Ảnh: Hải Long).

"Có một quan điểm kinh doanh thú vị là mọi thứ đều có thể quy ra tiền. Thậm chí, rác thải, nước thải cũng có thể quy ra tiền. Chi phí nên là tiềm năng để quy ra tiền, bao gồm cả vấn đề môi trường, xã hội. ESG không đơn thuần là giải pháp, sáng kiến, mà là cơ hội để thay đổi tư duy kinh doanh", vị chuyên gia nhìn nhận.

Với quan điểm tư duy kinh doanh, ông Trung cho rằng mọi thứ đều có khả năng kiếm ra tiền, do đó cần tư duy hướng về việc tạo ra lợi nhuận, đồng thời giải quyết vấn đề môi trường, xã hội. ESG là cơ hội để doanh nghiệp chuyển mình, biến tư duy sợ sai, sợ ảnh hưởng đến môi trường thành tiền.

"Doanh nghiệp cần hiểu mình là ai và muốn đi đến đâu"

Đại diện cho khối doanh nghiệp sản xuất ở Hà Nội, cũng là một chủ sở hữu doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Đức Minh - Phó chủ tịch Hội Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội (HAMI) - cho rằng để triển khai ESG cần phải xác định được thứ tự ưu tiên.

"Bản chất triển khai ESG phải có lộ trình. Các đơn vị thẩm định ESG cũng đánh giá theo lộ trình. Họ không yêu cầu doanh nghiệp phải có triển khai ngay ngày mai mà có lộ trình 5 năm, 10 năm. Trong lộ trình 5 năm đó sẽ có những ưu tiên theo từng giai đoạn", ông nói.

Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG: Chuyên gia nêu bí kíp - 2

Ông Minh cho rằng việc triển khai ESG cần phải có lộ trình và xác định được các thứ tự ưu tiên theo từng giai đoạn (Ảnh: Hải Long).

Cụ thể, theo ông, giai đoạn đầu tiên doanh nghiệp có thể triển khai ESG ở mức độ nhận thức của lãnh đạo cấp cao, cấp trung. Lộ trình ESG tiếp theo có thể triển khai là các vấn đề tài chính, nhà máy.

"Các đơn vị thẩm định ESG đánh giá dựa trên lộ trình thực hiện nên việc triển khai với doanh nghiệp không phải quá khó. Doanh nghiệp cũng không cần quá lo lắng về triển khai ESG với doanh nghiệp theo các xu hướng hiện nay", ông Minh trấn an.

Tương tự, bà Phạm Thị Quỳnh Vi - Giám đốc Chất lượng, Tập đoàn FPT - cũng cho biết doanh nghiệp của bà cần đến 5 năm để bắt đầu học hỏi và thực thi ESG. "Việc quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG cũng không quá khó nhưng cần đòi hỏi tính xuyên suốt", bà Vi chia sẻ.

Giám đốc Chất lượng Tập đoàn FPT cho biết từ 5 năm trước, doanh nghiệp bắt đầu học kiến thức, cách làm ESG ngay từ chính các đối tác của doanh nghiệp là Hitachi, Canon, Boeing... 

Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG: Chuyên gia nêu bí kíp - 3

Bà Phạm Thị Quỳnh Vi chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại Tập đoàn FPT từ thời điểm bắt đầu triển khai ESG 5 năm trước (Ảnh: Hải Long).

"Về cách thực hiện, doanh nghiệp đi từ hiện trạng, cố gắng hỏi tư vấn, tự nghiên cứu để nắm bắt thực trạng doanh nghiệp và "mổ xẻ" các bộ phận liên quan về ESG", bà chia sẻ.

Sau đó, các bộ phận sẽ tổng hợp báo cáo lãnh đạo doanh nghiệp về các kết quả "chẩn đoán" và đưa ra quyết định. Như vậy, việc này sẽ giúp doanh nghiệp bước đầu hiểu mình là ai và muốn đi đến đâu.

"Riêng với FPT, doanh nghiệp không có bộ phận chuyên trách mà ban điều hành đảm bảo chất lượng chịu trách nhiệm, đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt toàn bộ và kết nối từ ban lãnh đạo cho đến các công ty thành viên", vị này nói.

Theo bà Vi, doanh nghiệp triển khai theo ngành dọc nhưng vẫn thực hiện theo mệnh lệnh. Những vấn đề cấp thiết quan trọng phải làm sẽ thực hiện theo mệnh lệnh, còn những việc chưa làm được thì ở mức nghiên cứu.

Hội thảo "Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG - Làm gì, từ đâu?" là sự kiện vệ tinh, nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức từ năm 2024. Hội thảo lần này có sự tham gia đồng hành của một số đơn vị đối tác, trong đó có HDBank. 

Diễn đàn ESG Việt Nam có nhiều hoạt động trong năm nhằm thúc đẩy và phát triển chuẩn mực ESG, gồm các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn kết hợp lễ vinh danh, cuộc thi viết Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Ban tổ chức kỳ vọng với sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam cũng như các địa phương quan tâm tới phát triển bền vững, Diễn đàn sẽ được tổ chức thường niên, nhằm đồng hành cùng cơ quan quản lý, cộng đồng, doanh nghiệp nhân rộng mô hình phát triển bền vững, mang lại giá trị tích cực cho môi trường, xã hội, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.