1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Quản trị chi tiêu công ở Việt Nam kém năng động

(Dân trí) - Chi tiêu công ở Việt Nam được quản trị theo phong cách truyền thống, rất chính tắc nhưng ít năng động và khá hình thức. Cách làm này đang trở nên lỗi thời, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Sáng 2/6, Kiểm toán Nhà nước phối với với Hiệp hội kế toán công chứng Vương quốc Anh (ACCA) tổ chức hội thảo quốc tế “Vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc nâng cao tính hiệu lực của chi tiêu công”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa 2 cơ quan, được tổ chức vào dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Kiểm toán Nhà nước.
 
Theo đánh giá của TS. Trịnh Tiến Dũng, Trợ lý Giám đốc quốc gia kiêm Trưởng ban Quản trị quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam: Quản trị chi tiêu công ở Việt Nam trong thời gian qua đã bộc lộ những tồn tại yếu kém rất cơ bản, xét theo những tiêu chí quản trị khu vực công hiện đại, phổ biến trên thế giới như tính công khai minh bạch chưa cao, trách nhiệm giải trình còn hạn chế, hiệu quả kinh tế - xã hội chưa đạt như mong muốn và đặc biệt chưa có sự tham gia đáng kể của người chủ đích thực của đồng tiền ngân sách là nhân dân.
 
“Về cơ bản, chi tiêu công ở Việt Nam đến nay được quản trị theo phong cách truyền thống, rất chính tắc nhưng ít năng động và khá hình thức. Cách làm này đang trở nên ít phù hợp trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với cả quyền lợi lẫn nghĩa vụ đầy đủ của một thành viên; do đó, cần phải được đổi mới”, TS. Dũng nói.
 
PGS-TS. Trần Đình Thiên, quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay: “Cách phân bổ vốn đầu tư ngân sách thời gian qua còn theo kiểu bao cấp - chia đều, vẫn mang khá nặng dấu ấn của cơ chế xin cho, việc chi tiêu ngân sách chưa thực sự gắn chặt với trách nhiệm đến cùng; chỉ chịu sự ràng buộc của những hình thức chế tài có hiệu lực không cao, kèm theo đó là năng lực bộ máy còn yếu.
 
Đó chính là căn nguyên của tình trạng “có vấn đề” của hoạt động ngân sách Nhà nước: lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước, tham nhũng… Tình trạng này, như các báo cáo kiểm toán thường niên cho thấy, trên nhiều mặt là đáng lo ngại. Mà đây chính là đối tượng “khám phá” của Kiểm toán Nhà nước”.
 
Các diễn giả cũng chỉ ra rằng, “lát cắt” ở đây chính là yêu cầu đổi mới Luật Ngân sách Nhà nước - thể chế trung tâm của các quá trình ngân sách Nhà nước. Tình trạng tăng trưởng nóng, đầu tư cao nhưng kém hiệu quả, dẫn tới lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô vài năm gần đây đi liền với xu hướng gia tăng đầu tư dàn trải, trầm trọng hơn tình trạng lãnh phí, thất thoát, tham nhũng… chứng tỏ hiệu quả thấp của hoạt động thu chi ngân sách và nhiều vấn đề gay gắt đang tồn tại trong lĩnh vực này.
 
“Thực tế cũng chứng tỏ căn bệnh nói trên đang khá nghiêm trọng và có nguồn gốc cơ chế kinh tế, nằm trong chính sự không phù hợp của Luật Ngân sách Nhà nước với các điều kiện, yêu cầu của nền kinh tế sau hơn 20 năm đổi mới và hội nhập quốc tế thành công”, PGS-TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
 
Còn theo bà Gillian Fawcett, Giám đốc lĩnh vực công của ACCA, để quản lý chi tiêu công đạt hiệu quả cao, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Trước hết, Kiểm toán Nhà nước cần phải chuyển dần từ hệ thống quản lý đầu vào theo hiệu quả đầu ra...
 
Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm