1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Quản lý dinh dưỡng cho cây lúa bằng phần mềm tiên tiến RCM

Từ năm 2014, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã phối hợp với Viện nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và Bộ NNPTNT triển khai Chương trình ứng dụng phần mềm Quản lý dinh dưỡng cho cây lúa (RCM- Rice crop management).

Là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Việt Nam rất cần áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập của người trồng lúa đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nền nông nghiệp bền vững. Xuất phát từ nhu cầu đó, bắt đầu từ cuối năm 2014, Bộ NNPTNT, PVFCCo và IRRI triển khai Chương trình thí điểm ứng dụng RCM của IRRI.

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó TGĐ PVFCCo cho biết: Đây cũng là lần đầu tiên phần mềm RCM được triển khai tại Việt Nam. Trong chương trình này, PVFCCo không chỉ tài trợ kinh phí mà còn cùng IRRI và các cơ quan chức năng, đơn vị nghiên cứu trong nước triển khai chương trình.

Quản lý dinh dưỡng cho cây lúa bằng phần mềm tiên tiến RCM - 1

Sau thời gian triển khai từ năm 2014 đến nay, vào ngày 23/6/2016 vừa qua, PVFCCo, Bộ NNPTNT và IRRI đã tổ chức Hội thảo nhằm tổng kết và giới thiệu về các kết quả đạt được sau khi kết thúc khảo nghiệm trên lúa khu vực đất phèn tại Hậu Giang, Đồng Tháp và Long An. Tham dự hội thảo có đại diện Bộ NNPTNT, IRRI, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Viện lúa ĐBSCL, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Trường Đại học Cần Thơ và PVFCCo.

Những thông tin cụ thể về phần mềm “Quản lý dinh dưỡng cho cây lúa” (RCM) cũng như cách thức sử dụng phần mềm đã được ông Roland J.Buresh – Chuyên gia Trưởng Viện lúa Quốc tế giới thiệu chi tiết tại Hội thảo này.

Cũng tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Khang – trưởng bộ môn Canh tác, Viện lúa ĐBSCL và ông Nguyễn Quang Chơn – Viện KHKTNN miền Nam đã báo cáo kết quả thí nghiệm chương trình RCM tại các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang và Long An thời gian qua. Mục đích của các thí nghiệm này nhằm ứng dụng quản lý dinh dưỡng RCM theo tiểu vùng (SSNM - Site Specific Nutrient Management), được thực hiện trong hai vụ Thu Đông 2015 và Đông Xuân 2015-2016.

Báo cáo tổng kết cho thấy, thí nghiệm đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Cụ thể, việc giảm phân P và K được tính toán theo SSNM đã cho năng suất lúa cao, hiệu quả hơn so với bón phân theo tập quán canh tác của bà con nông dân; SSNM làm tăng thu nhập của nông dân do giảm chi phí phân bón… Khi áp dụng phần mềm RCM thì người nông dân sẽ thuận tiện hơn trong việc tuân thủ khuyến cáo bón phân theo SSNM và kỹ thuật ô khuyết của IRRI - đây là khuyến cáo bón phân hiện đại, có nhiều ưu điểm nổi trội, phù hợp với từng vùng chuyên biệt, đề xuất được lượng phân hợp lý, sát với yêu cầu thực tế của cây trồng.

Quản lý dinh dưỡng cho cây lúa bằng phần mềm tiên tiến RCM - 2

Từ những kết quả thực tiễn này, các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận, đánh giá đồng thời đề ra những bước tiếp theo cho chương trình này. Cụ thể, đó là việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện khuyến cáo phân bón cho phần mềm RCM; đa dạng các kênh khuyến nghị và sử dụng phần mềm RCM cho bà con nông dân thông qua Nhà nước, cán bộ khuyến nông, đại lý, các doanh nghiệp, các Hiệp hội…; thảo luận và xem xét khả năng ứng dụng của phần mềm trên toàn quốc theo nhu cầu khác nhau về thổ nhưỡng, khí hậu, mùa vụ… của mỗi vùng miền.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Vũ Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ NNPTNT đánh giá cao và hoan nghênh việc PVFCCo đã tích cực hợp tác với Bộ NNPTNT và IRRI thực hiện chương trình RCM. Ông nói: “Tôi hy vọng chương trình này sẽ giúp bà con nông dân bón phân phù hợp cho cây lúa và từ đó giảm chi phí đầu vào, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho bà con đồng thời góp phần triển khai dự án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam nhằm sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững. Trong thời gian tới, tôi mong muốn phần mềm này sẽ được PVFCCo cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu tiến hành đưa ra sử dụng rộng rãi trên cả nước”.

T.V

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm