1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TS Nguyễn Đình Cung:

Quản lý cứ kiểu “đúng quy trình” mà “sai hiệu quả” mãi hay sao?

(Dân trí) - “Đúng quy trình, đúng quy định luôn được các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra để biện minh cho yếu kém của mình. Tuy nhiên, đặt ngược câu hỏi: đúng quy trình, kết quả có đúng không? Đúng quy trình nhưng không mang lợi cho ai thì đúng làm gì? Quản lý của cơ quan Nhà nước cứ giữ mãi kiểu đúng quy trình nhưng sai hiệu quả hay sao?...”

Đây là những ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo Xây dựng chính sách cạnh tranh toàn diện cho Việt Nam ngày hôm nay 3/8 tại Hà Nội.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhưng hiện nay rất méo mó. "Lỗi tại cơ quan Nhà nước đang tham gia quá nhiều vào kiểm soát thị trường bằng mệnh lệnh hành chính mà không tuân thủ các quy luật tự nhiên. Điều đó dẫn đến sự lệch lạc cả xu hướng thị trường và ứng xử của nhiều doanh nghiệp (DN), người dân”, ônh nói.

“Kinh tế sáng tạo” đang thua “kinh tế quan hệ”

Ông Cung dẫn giải: "Tại Việt Nam, giá trị gia tăng của nền kinh tế đang có vấn đề. Người làm ăn gian lận có lợi hơn làm ăn trung thực. Cái ông chuyên đi mày mò nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sản phẩm mới, phát triển thì chả kiếm được lợi nhuận, tài sản bằng ông có quan hệ, chạy chọt quan chức. Những sáng kiến, sáng tạo đáng lẽ tạo được giá trị gia tăng nhưng lại không khuyến khích được bằng sản phẩm giả, vi phạm sở hữu trí tuệ".

Chính vì vậy, theo ông Cung: "Nền kinh tế đang đặt ra yêu cầu và có xung lực buộc phải cải cách nhanh hơn, mạnh hơn. Cải cách những thứ xét về kinh tế thị trường mà nói có thể động chạm ý thức hệ, như sở hữu tài sản công và lợi ích nhóm trong DN Nhà nước. Cải cách lần này không thể không nói đến đất đai, không thể nói đến vai trò của sở hữu Nhà nước".

Ông Cung nói thêm: “Cải cách lần này sẽ động đến nhiều vấn đề lợi ích, tất nhiên sẽ rất khó, rất đau đớn. Ví dụ, cải cách trong ngành nông nghiệp lúa nước, đang chạm đến an ninh lương thực. Tuy nhiên, ai biết rằng người làm lúa gạo không giàu lên bằng hạt gạo được, họ vẫn nghèo. Nhưng họ vẫn gánh cả trọng tránh quan trọng quốc gia là an ninh lương thực. Vậy phải tạo cách làm mới để cho người nông dân không đi sau và lạc giữa giá trị gia tăng của quốc gia chứ”.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, nền kinh tế Việt Nam đang có rào cản lớn cho phát triển là: Tư duy mới, cách làm mới và con người mới. “Tôi muốn nói là rào cản gia nhập thị trường là phương thức quản lý của Nhà nước đang là vấn đề nhức nhối nhất đối với môi trường kinh doanh. Cụ thể, những rào cản đối với DN tự do kinh doanh từ năm 2000 – 2003. Gọi là bỏ rào cản, nhưng các Bộ nay vẫn xây đắp nhiều tầng lớp, để quản DN. Tư duy không quản được là cấm, chọn lợi cho mình, đẩy bất lợi cho thị trường là rất không ổn”, ông nói.

Giữ mãi quản lý đúng quy trình nhưng chẳng lợi cho ai!

Ông Cung nhắc lại: “Nguyên tắc về nền kinh tế thị trường của thế giới, vai trò Nhà nước là thúc đẩy, kiến tạo, chứ không phải đặt ra để quản, mang tính chất tự động loại bỏ. Hiện trạng này là hành vi phổ biến của công chức nhà nước các cấp”.

Viện trưởng Viện CIEM tỏ ra đau xót về “chuỗi hành xử” theo kiểu quy trình mà lâu nay bộ máy hành chính các cấp vẫn đang áp dụng máy móc. “Có mấy thứ đúng quy trình, đúng quy định luôn được các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra để biện minh cho yếu kém của mình. Tuy nhiên, đặt ngược câu hỏi: Đúng quy trình, kết quả có đúng không? Quản lý cứ giữ mãi kiểu đúng quy trình nhưng sai hiệu quả hay sao? Đúng quy trình có thúc đẩy phát triển không? mang lại lợi ích cho ai? thì không ai quan tâm. Tại sao những cái vô lý không được các địa phương, bộ ngành thay đổi, khi nhắc đến lại bảo không phải việc của mình”, ông nêu.

Về thực trạng cải cách trong nhiều năm qua, theo ông Cung vẫn chưa được nhiều. “Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói trong cuộc tiếp xúc với DN ngày 29/4, cơ quan quản lý Nhà nước phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Thực tế ở dưới, bao nhiêu kiến nghị, phàn nàn thì gần như họ không có phản ứng gì. Nếu làm đúng chỉ thị của Thủ tướng, cấp dưới phải tìm vấn đề giải quyết cho dân, cho DN; khi phát hiện phải nhanh nhảu giải quyết. Nhưng đằng này họ phản ánh 1 lần, 2 lần nhưng mọi việc vẫn trơ ra như thế”, ông Cung nói.

Ông Cung nhấn mạnh: "Sau ngày 29/4, đã có Bộ, ngành và địa phương nào thống kê thử xem bao nhiêu kiến nghị trong cuộc gặp đó đã được giải quyết? Chính phủ mới và Thủ tướng tạo điểm đà, thúc đẩy cải cách nhưng vẫn bộ máy hành pháp cấp địa phương vẫn chậm chuyển biến, vẫn hành xử theo quy trình".

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm