Quái chiêu "hút máu" của các app cho vay tiền "cắt cổ" con nợ

Nhân viên thu hồi nợ của các app cũng chính là người cho vay. Để đòi được nợ, họ phải đóng nhiều vai, từ nhân viên công ty thu hồi nợ, nhân viên bộ phận pháp lý, thậm chí cả luật sư và, đòi nợ thuê.

Bẫy vay nợ luôn giăng sẵn

Quái chiêu hút máu của các app cho vay tiền cắt cổ con nợ - 1

App vay tiền xuất hiện nhan nhản trên internet.

Mới đây, mạng xã hội chia sẻ đoạn ghi âm cuộc nói chuyện giữa một người đàn ông với một nhân viên thu hồi nợ thuộc một tổ chức cho vay nặng lãi thông qua app trên điện thoại di động.

Theo nội dung cuộc hội thoại, nhân viên thu hồi nợ này cho biết, đang có trường hợp một khách vay 4 triệu đồng, đã thanh toán 11 lần tiền gia hạn từ 700.000 - 800.000 đồng/lần, tổng cộng hơn 8 triệu đồng nhưng hiện vẫn còn dư nợ lên tới 14 triệu đồng dù ban đầu chỉ vay vỏn vẹn 4 triệu đồng.

Qua đoạn ghi âm, nhân viên thu nợ này cho biết sắp nghỉ việc vì app này "tính lãi ghê quá, mình thu của người ta mình cũng khó nói lắm", người này cho hay.

Mặc dù tính lãi suất "cắt cổ" nhưng khách hàng vẫn ngoan ngoãn trả lãi vì "chỉ cần nghe hù dọa đăng lên mạng xã hội facebook là họ sẽ trả, bởi vậy không có nợ xấu".

Đáng chú ý, người này hé lộ thông tin không có chuyện các app này bán nợ xấu cho bên thứ 3, nhân viên thu nợ thường trong vai "người đi đòi nợ thuê", nhưng thực chất lại cũng chính là người cho vay.

"Không có app nào bán nợ cho bên thứ 3 mà thực chất là một người đóng nhiều vai" - nhân viên thu nợ này hé lộ.

"Một người phải đóng nhiều vai chứ không phải app bán ra ngoài cho bên trung gian. Hầu hết các app đều thế, toàn phải sử dụng chiêu trò", nhân viên thu nợ này nói.

Ngoài ra, các app tín dụng đen thực chất không thể biết được lịch sử nợ xấu của khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC), nhưng vẫn đem thông tin này ra để dọa khách hàng thiếu kinh nghiệm.

Với mỗi đối tượng khách hàng, nhân viên thu hồi nợ thuộc các tổ chức tín dụng đen sẽ sử dụng những "ngón nghề" khác nhau để đạt mục đích cuối cùng là thu hồi nợ gốc và lãi cao nhất có thể.

"Nhóm của tôi một tháng phải thu hồi 22 tỷ đồng, thu hồi càng nhiều thì phần trăm hoa hồng càng được nhiều. Nếu thu không đủ chỉ tiêu thì chỉ được ăn lương cứng, mức tối thiểu để được chủ app thưởng thì phải thu hồi được 80% chỉ tiêu", người đàn ông trong đoạn ghi âm tiết lộ.

Quái chiêu hút máu của các app cho vay tiền cắt cổ con nợ - 2

App vay tiền xuất hiện đầy rẫy trên điện thoại di động.

Theo tìm hiểu của PV, thị trường tín dụng đen hiện nay có vô vàn các app cho vay đang tồn tại. Một số app phổ biến với các con nợ gồm: Cash Cow, You Dong, Fast Horse, Mo Credit, Online Vay, 30S có tiền, Ruby Vay, Denvay, City Credit, EasyCredit, Panda Vay, Vay Life, Happy Vay, VayHome, HBC Credit, Yes Credit, GoVayNow, RoboCash, QuickVay, VIPDong...

Các app này thường được quảng cáo trực tiếp đến đúng đối tượng đang cần tiền, điều kiện vay cũng hết sức lỏng lẻo, chỉ cần có số điện thoại và Chứng minh nhân dân (thẻ căn cước công dân).

Mặc dù có hàng trăm app đang bủa vây người nghèo nhưng mỗi app chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, sau đó các đối tượng lại tự chuyển đổi sang một app có tên mới. Chẳng hạn như app "VIPDong" sau khi bị tố đòi nợ kiểu xã hội đen nay đã chuyển đổi sang app mới có tên "IDong".

Một nhóm diễn đàn trên mạng xã hội facebook có hàng chục nghìn thành viên chuyên quảng cáo các app cho vay, một phụ nữ tự nhận là nhân viên tín dụng đăng lời mời gọi cho vay 12 triệu đồng, trả góp trong 12 tháng, mỗi tháng trả 1 triệu đồng với mức lãi suất hấp dẫn, chỉ 500.000 đồng/năm. Cam kết sẽ không thẩm định, kể cả nợ xấu lớn đến mức nào cũng vẫn được giải ngân.

Tuy nhiên, người có "thâm niên" đi vay như chị Đỗ H. cho biết, đúng là không cần thẩm định nhưng mức lãi suất chỉ 500.000 đồng/năm chỉ là chiêu trò để dụ con mồi.

"Tôi vay lần đầu tiên trên app có 1 triệu đồng mà bị cuốn vào vòng xoáy như hiện nay. Dù đã gom góp trả được hơn 30 triệu đồng rồi nhưng bọn chúng không tha. Chúng đăng hình ảnh của tôi lên mạng xã hội, rồi gửi thông tin cho bạn bè khiến tôi phải khóa tài khoản facebook, khóa sim điện thoại và khóa cả tài khoản zalo", chị Đỗ H kể.

"Em cũng trả cho nó mấy chục triệu rồi nhưng chỉ chậm trả lãi có mấy ngày mà bị post hình lên mạng xã hội. Bạn bè, người thân ai cũng nhắn tin hỏi han nên em sợ quá, mất ăn mất ngủ mấy hôm nay," tài khoản có tên K.H chia sẻ.

Một app cho vay có tên "VietC..." được quảng cáo là chuyên cho vay đối với sinh viên, người đi làm và hộ kinh doanh, mức giải ngân lên đến 100 triệu đồng. Theo giới thiệu của app này thì để được vay tiền, người vay chỉ cần cung cấp CMND, Hợp đồng lao động/Bảo hiểm y tế, hoặc giấy xác nhận công tác. Đối với sinh viên, chỉ cần CMND và Thẻ sinh viên. Nhân viên của app này đưa ra rất nhiều ưu đãi cho người vay nghe hấp dẫn khiến "kiến trong lỗ cũng bò ra", còn thưởng tiền mặt lên đến 300.000 đồng cho người giới thiệu.

Cảnh giác với chiêu lừa "giải ngân"

Tỷ lệ thuận với số lượng các app cho vay hiện nay là vô vàn những chiêu trò lừa đảo người đi vay. Chị Linh Sam (TP.HCM) cho biết, ngày 2/12 vừa qua bỗng dưng chị nhận được tin nhắn từ số điện thoại cá nhân mạo danh Ngân hàng Á Châu với nội dung: "Á Châu Bank: 02/12/2020 17:47:05 Thông báo khách hàng có CCCD số 001188026460, khoản vay 100.000.000 vnd thời hạn 48 tháng đã giải ngân thành công, quý khách sẽ nhận số tiền 102.500.000vnd vào TKTT 19033101491011, vui lòng thanh toán bảo hiểm khoản vay 5.000.000 vnd để kích hoạt nhận tiền vay…".

Sau đó là tin nhắn số tài khoản để khổ chủ chuyển vào tài khoản mở tại ngân hàng… Techcombank.

Quái chiêu hút máu của các app cho vay tiền cắt cổ con nợ - 3

Tin nhắn lừa đảo.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV, nhân viên tín dụng của một ngân hàng cho biết, nếu phải đóng bảo hiểm khoản vay, ngân hàng sẽ trừ thẳng vào tiền vay sau khi giải ngân, nên tin nhắn trên chắc chắn là nội dung lừa tiền người nhẹ dạ.

Tương tự, một người đi vay cho biết, chị nhận được tin nhắn từ một app có tên "A-Vay24H", nội dung thông báo khoản vay đã được duyệt, bước tiếp theo chị cần thanh toán số tiền 970.000 đồng gọi là "phí thẩm định", kèm theo đó là số tài khoản của người nhận tại Sacombank.

Đây cũng là một chiêu lừa đảo đối với những người đang trong cơn bấn loạn, cần một khoản tiền trong ngắn hạn.

Anh Trần Mạnh Hùng, nhân viên tín dụng thuộc một công ty tài chính lớn cho biết, không có chuyện ngân hàng hay công ty tài chính yêu cầu khách hàng phải trả "phí thẩm định", nên đây chắc chắn là một cái bẫy được giăng sẵn đối với người nhẹ dạ.

Với phương thức cho vay dễ dãi, không qua thẩm định, các app cho vay cũng phải đối mặt với tình trạng khách vay "bùng" tiền khi sử dụng thông tin giả để vay. Trên một số diễn đàn về vay online, không ít các thành viên "khoe" chiến tích đã "bùng" tiền tại 5-6 app khác nhau.

Tuy nhiên, anh Trần Mạnh Hùng cho biết, việc các cá nhân không suy nghĩ kỹ trước khi vay từ các app, sau đó vì phải gánh chịu lãi "cắt cổ", không thể trả được nợ là bị "khủng bố" nhiều cách.

"Các app này không chịu sự quản lý của NHNN nên các đối tượng thường là dân xã hội, họ có thể bất chấp tất cả chỉ với mục đích thu hồi lại tiền, nên sẽ rất nguy hiểm cho người vay nếu trốn tránh nghĩa vụ trả nợ", anh Hùng cho hay.