PVTrans: Triển vọng tăng trưởng dài hạn

Trường Thịnh

(Dân trí) - Trong những năm gần đây, Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã CK: PVT) liên tiếp lập kỷ lục về tăng trưởng.

Điều này ghi dấu những bước phát triển vững chắc bất chấp những biến động của thị trường. Với một sức khỏe tốt và chiến lược đầu tư bài bản, phát triển nhiều tiềm năng, PVTrans đang cho thấy triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và suy giảm giá dầu, nhưng PVTrans tiếp tục ghi dấu một bước phát triển mới với việc đạt được kết quả cao nhất trong 18 năm thành lập. 

PVTrans cũng là một trong số ít các đơn vị trên thị trường chứng khoán cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận liên tục trong suốt 9 năm liền từ năm 2011 đến nay với tỷ lệ tăng trưởng bình quân khoảng 18%/năm.

80% đội tàu hoạt động quốc tế

Hiện nay, PVTrans tiếp tục giữ vững vị trí là doanh nghiệp vận tải hàng lỏng số 1 Việt Nam, duy trì 10% thị phần vận tải dầu thô và LPG trong nước và khoảng 30% thị phần vận tải xăng dầu nội địa. 

Đặc biệt, PVTrans đã và đang đẩy mạnh việc đưa tàu ra khai thác trên thị trường quốc tế trong bối cảnh dư địa phát triển thị trường vận tải nội địa không còn nhiều.

Tỷ lệ đội tàu hoạt động quốc tế của PVTrans đã tăng từ 70% năm 2019 lên khoảng 80% trong năm 2020 với 2/4 tàu dầu thô, 10/11 tàu sản phẩm/hóa chất, 10/13 tàu LPG, 2/2 tàu hàng rời đang hoạt động trên khắp thế giới, từ châu Á, Trung Đông đến Bắc Mỹ, châu Úc và Tây Phi với cách thức cho thuê đa dạng như thuê chuyến, định hạn, vận chuyển nhập khẩu,… 

Việc này đã giúp PVTrans tăng nguồn thu ngoại tệ, xây dựng thương hiệu quốc tế và đặc biệt đa dạng hóa thị trường, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường nội địa đang bão hòa.

PVTrans: Triển vọng tăng trưởng dài hạn - 1

Tàu PVT HERA.

Quý I năm nay, dù chịu tác động của đợt dịch Covid-19 bùng phát lần 3, nhưng PVTrans vẫn tiếp tục ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) tích cực với doanh thu đạt 1.717 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế đạt 174 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ 2020.

Lợi nhuận PVTrans tăng mạnh nhờ biên lợi nhuận gộp quý I (đạt 15,01%) được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ (14,3%) và sự phục hồi của mảng kinh doanh chính - dịch vụ vận tải (lợi nhuận gộp tăng 49,6% so với quý I năm 2020). 

Bên cạnh đó, việc thanh lý thành công tàu PVT Sea Lion (tàu hóa chất 24 năm tuổi) giúp PVTrans ghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến hơn 39 tỷ đồng. Lãi từ tiền gửi, tiền cho vay tăng 69% so với cùng kỳ, trong khi lỗ chênh lệch tỷ giá giảm 84% so với cùng kỳ (quý I năm 2020, PVTrans ghi nhận lỗ tỷ giá hơn 22 tỷ đồng). 

Doanh thu mảng vận tải dầu thô của PVTrans tiếp tục tăng trưởng khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định với 105% công suất…

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, lãnh đạo PVTrans cũng cho biết kết quả SXKD sơ bộ 6 tháng đầu năm khả quan với doanh thu ước đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế ước đạt 420 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ năm trước.

Chiến lược trẻ hóa đội tàu

Đội tàu của PVTrans hiện có 34 chiếc gồm nhiều chủng loại, PVTrans vẫn đang đẩy mạnh đầu tư tàu mới, nhằm trẻ hóa đội tàu. Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 nhưng PVTrans đã thành công đầu tư 3 tàu mới.

Trong đó có 2 tàu dầu hóa chất và một tàu hàng rời gồm: Tàu PVT Venus - Chemical/Oil Tanker, IMO II, được đóng năm 2010 tại Hàn Quốc, có tổng trọng tải 13.149 DWT, chiều dài 129 m, chiều rộng 20 m, mớn nước 8 m. 

Tàu PVT Azura - Chemical/Oil Tanker có trọng tải 19,945 DWT và đã ngay lập tức ký thành công hợp đồng chạy tuyến quốc tế cho khách hàng Nhật. Hợp tác thuê mua tàu PVT Diamond - Bulk Carrier, có trọng tải 55,623 DWT và đã được ký hợp đồng vận chuyển clinker cùng hàng rời tuyến quốc tế.

Trong năm nay, PVTrans dự kiến đầu tư tổng cộng 15 tàu trong toàn Tổng công ty (Công ty mẹ PVTrans dự kiến đầu tư 4 tàu và các đơn vị thành viên đầu tư khoảng 11 tàu) chủ yếu tập trung vào các tàu dầu thô, tàu hóa chất, tàu gas, tàu hàng rời… 

Tổng mức đầu tư khoảng 7.621 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu khoảng 2.761 tỷ đồng; vốn vay và các nguồn vốn khác khoảng 4.859 tỷ đồng.

Hiện nay, cổ phiếu PVT đang giao dịch ở mức giá 21.600 đồng/cổ phiếu (ngày 28/6/2021), mức giá cao nhất trong vòng một năm qua, tăng khoảng 20% trong vòng 1 tháng qua và hơn 100% trong vòng một năm qua.