PVN đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế

(Dân trí) - Trong 9 tháng năm 2019, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã duy trì nhịp độ sản xuất ổn định, hiệu quả, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng GDP 6,98%, cao nhất trong 9 năm qua của nền kinh tế Việt Nam.

Bước vào năm 2019, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dầu khí nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro gia tăng, hoạt động khai thác dầu khí gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả sản xuất kinh doanh.

Đó là giá dầu thô phục hồi chậm và vẫn giữ ở mức thấp; nhiều dự án đòi hỏi nhu cầu vốn lớn, trong khi việc thu xếp vốn gặp nhiều khó khăn; các dự án chưa hiệu quả cần thời gian và nguồn lực mới có thể xử lý dứt điểm…

Trong bối cảnh đó, Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV và lãnh đạo PVN đã bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành để lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời xử lý các vấn đề gặp phải, duy trì nhịp độ sản xuất hiệu quả, hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch 9 tháng năm 2019.

PVN đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - 1

Giàn CNTT số 3 mỏ Bạch Hổ

9 tháng năm 2019, sản xuất đạm đạt 1,10 triệu tấn, vượt 8% kế hoạch 9 tháng và bằng 76,6% kế hoạch năm. Sản xuất điện đạt 16,42 tỉ kWh, vượt 4,3% kế hoạch 9 tháng và bằng 76% kế hoạch năm. Sản xuất xăng dầu đạt 8,99 triệu tấn, vượt 5,6% kế hoạch 9 tháng và bằng 79,2% kế hoạch năm.

Về tài chính, tổng doanh thu của toàn PVN tháng 9 năm 2019 ước đạt 61,4 nghìn tỉ đồng, vượt 9,5% so với kế hoạch tháng 9; tính chung 9 tháng ước đạt 560,6 nghìn tỉ đồng, vượt 12% kế hoạch 9 tháng và bằng 92% kế hoạch năm.

Nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN tháng 9 năm 2019 ước đạt 8,7 nghìn tỉ đồng, vượt 16,4% kế hoạch tháng 9; tính chung 9 tháng ước đạt 78,5 nghìn tỉ đồng, vượt 11,1% so với kế hoạch 9 tháng và bằng 89% kế hoạch năm.

Theo báo cáo kinh tế - xã hội 9 tháng của Chính phủ, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-9-2019 ước đạt 1.028,7 nghìn tỉ đồng, bằng 72,9% dự toán năm, trong đó, thu từ dầu thô đạt 40,8 nghìn tỉ đồng, bằng 91,5% dự toán năm.

Những thành tích đó đã đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng kỷ lục 6,98% của nền kinh tế đất nước trong 9 tháng năm 2019.

Trong những năm qua, PVN luôn là một trong những trụ cột kinh tế của đất nước với những sản phẩm thiết yếu như xăng dầu, phân đạm, điện, thực hiện tốt vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước.

Từ năm 2015 trở lại đây, giai đoạn mà PVN gặp nhiều khó khăn nhất, hằng năm, nộp ngân sách Nhà nước của PVN chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Riêng nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô chiếm 5-6% tổng thu ngân sách chung và chiếm 7-9% tổng thu ngân sách Trung ương. Cùng với đó, PVN đã đóng góp vào GDP cả nước trung bình hằng năm 10-13%.

Bên cạnh phát triển kinh tế, PVN góp phần rất tích cực trong việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông; chú trọng công tác an sinh xã hội, xây dựng văn hóa doanh nghiệp; luôn phát huy hiệu quả vai trò là trụ cột, đầu tàu của nền kinh tế đất nước.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, PVN là doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận trong nền kinh tế với lợi nhuận trước thuế 50.600 tỉ đồng, tăng 7,5% so với mức 47.000 tỉ đồng năm 2017.

Trong thời gian tới, bên cạnh tình hình giá dầu diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động tìm kiếm, thăm dò gia tăng trữ lượng sụt giảm, khai thác dầu khí gặp nhiều khó khăn, còn có một loạt các vấn đề khó khăn, vướng mắc PVN đã và đang phải đối diện như việc thực hiện Luật Dầu khí, công tác đầu tư ra nước ngoài, về bảo lãnh Chính phủ và thu xếp vốn cho các dự án đầu tư...

Bên cạnh đó, việc áp dụng các luật trong thực tế (Luật Dầu khí, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công…) khá phức tạp, chưa đồng bộ, những rào cản về cơ chế đang khiến PVN khó có thể triển khai được nhiều công việc liên quan...

Nhằm làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án trọng điểm của ngành Dầu khí, PVN đã phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể, đưa ra các kiến nghị xử lý những khó khăn hiện tại của ngành Dầu khí.

Thông qua các hội thảo khoa học, tọa đàm, hầu hết các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất cho rằng, cần phải bổ sung, điều chỉnh Luật Dầu khí và các văn bản dưới luật cho phù hợp với bối cảnh hoạt động dầu khí hiện nay, bảo đảm tính hấp dẫn đầu tư…

Đồng thời, cần phải có những chính sách, cơ chế phù hợp với đặc thù của ngành Dầu khí. Cần thiết phải xây dựng, hoàn chỉnh một hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp cho việc phát triển ngành Dầu khí nói riêng và ngành công nghiệp nói chung, nhằm phát triển ngành Dầu khí bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Hơn bao giờ hết, PVN đang cần có những chính sách, giải pháp cụ thể nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án mà PVN đang triển khai, hướng đến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển đất nước trong thời gian tới.

Từ năm 2015 trở lại đây, giai đoạn mà PVN gặp nhiều khó khăn nhất, hằng năm, nộp ngân sách Nhà nước của PVN chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Riêng nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô chiếm 5-6% tổng thu ngân sách chung và chiếm 7-9% tổng thu ngân sách Trung ương.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm