PVFC đặt mục tiêu chuyển thành ngân hàng

(Dân trí) - PVFC đang xác định mục tiêu trở thành 1 ngân hàng. Nếu thành, PVN sẽ có cổ phần tại 2 ngân hàng là PVFC và Oceanbank.

PVFC đặt mục tiêu chuyển thành ngân hàng

Ông Nguyễn Thiện Bảo, Tổng Giám đốc PVFC (ảnh B.D).

Công bố thông tin tại cuộc họp báo sáng 26/4, Tổng giám đốc Tổng Công ty Tài Chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) Nguyễn Thiện Bảo cho biết, PVFC đang có kế hoạch chuyển đổi thành ngân hàng thương mại.

Theo đó, việc chuyển đổi này có thể thực hiện thông qua việc PVCF thực hiện hợp nhất với một ngân hàng thương mại.

Với dự định này của PVFC, theo như thông tin từ ông Bảo cho biết, thời điểm hiện tại nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã làm việc với PVFC đặt vấn đề mua cổ phần hoặc mua trái phiếu.

Ông Bảo cũng nhìn nhận, đối tác nước ngoài thực sự có nhiều lợi thế hơn ngân hàng trong nước ở nhóm công cụ và giải pháp cũng như có được mạng lưới hoạt động toàn cầu với thời lượng giao dịch 24/24, gấp 3 lần các ngân hàng trong nước. Cùng với đó, lượng khách hàng lớn từ ngành dầu khí cũng là một danh mục cực kỳ lý tưởng khi PVFC trở thành 1 ngân hàng thương mại.

Là một tổ chức tín dụng, đến nay PVFC vẫn hoạt động tương tự như một ngân hàng thương mại dựa trên lợi thế là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí (PVN). Tuy nhiên, ông Bảo cho biết, mạng lưới của PVFC mới vỏn vẹn chỉ có 10 chi nhánh và 25 điểm giao dịch trên cả nước.

Hiện tại, PVN đang chiếm 78% cổ phần tại PVFC. Tỷ lệ này sẽ giảm còn 52% khi công ty này tăng vốn điều lệ lên 9.000 tỷ đồng (thông qua phát hành 3.000 tỷ trái phiếu trong năm nay). Song, theo lộ trình thoái vốn của PVN tại các đơn vị thành viên, tỷ lệ vốn sở hữu của Tập đoàn này tại PVFC sẽ còn phải giảm xuống nữa, tới 20%.

 Ông Bảo cho biết, cùng với việc phát hành trái phiếu nói trên và việc PVFC có thể sẽ sáp nhập vào một ngân hàng khác (quy mô tối thiểu cũng là 3.000 tỷ đồng) tỷ lệ sở hữu của PVN sẽ tự động giảm xuống.

Ngoài ra, PVN cũng có thể sẽ tính đến chuyển nhượng cổ phần cho đối tác khác. Theo đó, trước mắt, đã có đối tác đàm phát để mua lại một phần vốn của Tập đoàn. Các bên vẫn đang tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, ông Bảo cũng lưu ý rằng, theo quy định, một tổ chức không thể mua quá 15% vốn của một tổ chức tín dụng. Và để vượt qua được rào cản tín dụng này thì cần phải có nhiều tổ chức tham gia mua. Vì vậy, việc giảm tỉ lệ sở hữu của PVN tại PVFC cần một lộ trình chứ không thể giảm ngay như mong muốn.

Nếu PVFC chuyển đổi thành công mô hình sang ngân hàng thương mại thì PVN sẽ có cổ phần tại hai ngân hàng. Hiện, tập đoàn này  đang nắm giữ 20% của Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) với vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng. Được biết, năm nay ngân hàng này cũng đang có kế hoạch xin thực hiện tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng.

Trong lộ trình tái cấu trúc các Tập đoàn Nhà nước, Chính phủ yêu cầu các Tập đoàn, trong đó có PVN, dần tiến tới việc thoái toàn bộ cổ phần ra khỏi các đơn vị tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm