Phương Tây xa lánh than đá Nga, Trung Quốc mua mạnh

Nhật Linh

(Dân trí) - Theo Reuters, trong lúc các nước phương Tây xa lánh hàng hóa của Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, Trung Quốc vẫn âm thầm mua mạnh than giá rẻ của Nga.

Nhập khẩu than đá từ Nga của Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao nhất trong 5 năm qua.

Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy nước này đã mua 7,42 triệu tấn than đá Nga trong tháng trước - mức cao nhất hàng tháng kể từ năm 2017. Con số này tăng mạnh so với mức 6,12 triệu tấn hồi tháng 6 và 6,49 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Phương Tây xa lánh than đá Nga, Trung Quốc mua mạnh - 1

Nhập khẩu than đá từ Nga của Trung Quốc trong tháng 7 đạt mức cao nhất trong 5 năm qua (Ảnh: Reuters).

Các nước phương Tây đang xa lánh các chuyến hàng từ Nga trước khi lệnh cấm nhập khẩu than Nga của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào ngày 11/8, nhằm giảm nguồn thu từ năng lượng của Điện Kremlin.

Lệnh cấm vận than Nga của EU đã buộc Nga phải hướng tới những khách hàng như Trung Quốc, Ấn Độ và phải bán với mức giá chiết khấu cao.

Trong tháng 7, than nhiệt của Nga với giá trị nhiệt 5.500 kcal giao dịch quanh mức 150 USD/tấn (gồm các chi phí và vận chuyển). Trong khi than có cùng chất lượng từ cảng Newcastle của Australia được bán với giá hơn 210 USD/tấn (giá FOB, tức giá đã bao gồm chi phí vận chuyển ra cảng, thuế phí xuất khẩu).

Một số thương nhân Trung Quốc kỳ vọng sẽ mua được nhiều than Nga hơn nữa trong quý IV khi các công ty tiện ích ở phía bắc nước này tăng cường tích trữ than để sưởi ấm cho mùa đông sắp tới.

Than từ Indonesia, chủ yếu là than nhiệt chất lượng thấp, giá rẻ với giá trị nhiệt dưới 3.800 kcal, cũng được Trung Quốc nhập 11,7 triệu tấn trong tháng qua, tăng 22% so với tháng 6 nhưng vẫn giảm 40% so với đầu năm. Trong vài tháng gần đây, Trung Quốc đã giảm lượng than nhập khẩu than nói chung khi sản lượng than trong nước tăng mạnh.

Các nhà máy điện than ở miền nam Trung Quốc đang tăng cường đấu thầu những lô hàng than Indonesia trong tháng 8 vì có giá rẻ hơn than nội địa khi nhu cầu phát điện bằng than tăng lên do nắng nóng kỷ lục.

Than nhiệt Indonesia với giá trị nhiệt 3.800 kcal được giao dịch ở mức 78 USD/tấn (giá FOB) trong tuần trước, thấp hơn so với mức 101 USD/tấn của than nội địa Trung Quốc khi tính cả chi phí vận chuyển.

Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy không có lô hàng than nào được nhập khẩu từ Australia.

Dữ liệu từ cơ quan này cũng cho thấy, trong tháng 7, Trung Quốc nhập 7,15 triệu tấn dầu Nga, bao gồm qua đường ống và đường biển, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã đưa Nga trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc trong tháng thứ 3 khi các nhà máy lọc dầu tư nhân nước này tăng cường mua dầu giá rẻ của Nga và cắt giảm nguồn cung từ các nhà cung cấp khác như Angola, Brazil.

Tuy vậy, so với tháng mức kỷ lục gần 2 triệu thùng/ngày đạt được trong tháng 5, dầu Nga chảy vào Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm còn khoảng 1,68 triệu thùng/ngày. Với mức này, Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga.

Theo Reuters