Phú Yên: “Vàng đen” lao dốc, người trồng lao đao

(Dân trí) - Cây tiêu ngày trước được người dân Phú Yên ví như “vàng đen” nhưng những năm gần đây giá cả lại liên tục “lao dốc”, khiến người dân thua lỗ buộc chặt phá hàng loạt.

Theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT, đến năm 2020, Phú Yên có khoảng 400 ha cây hồ tiêu. Tuy nhiên, giai đoạn trước đây do giá tiêu hạt tăng cao, nông dân ở tỉnh này ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng tiêu nên có lúc diện tích loại cây này trên địa bàn tỉnh lên hơn 1.000 ha, gấp khoảng 2,5 lần so với quy hoạch.

Phú Yên: “Vàng đen” lao dốc, người trồng lao đao - 1

Những năm trước, giá tiêu cao người dân Phú Yên trồng hơn 1.000 ha, phá bỏ quy hoạch

Đến năm 2017, giá tiêu “lao dốc” và ảnh hưởng dịch bệnh nên người dân phá bỏ hàng loạt, ước tính nay tổng diện tích chỉ còn 1/4 so với trước.

Cây tiêu bị chặt bỏ hàng loạt

Ngày trước, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) được mệnh danh là thủ phủ của cây hồ tiêu ở Phú Yên với diện tích hơn 500 ha. Cũng nhờ cây tiêu mà nhiều người kiếm được bạc tỷ, đổi đời.

Thế nhưng, từ cuối năm 2017, ảnh hưởng của thiên tai, sau đó là sự xuất hiện của bệnh chết nhanh, chết chậm dẫn đến cây tiêu chết hàng loạt, diện tích còn sống sót thì cho năng suất kém… Cùng với đó là giá tiêu bắt đầu “lao đốc”, như thời điểm hiện tại là giảm khoảng 5 lần so với đỉnh giá.

Phú Yên: “Vàng đen” lao dốc, người trồng lao đao - 2

Hàng loạt diện tích cây tiêu bị chặt bỏ

Phú Yên: “Vàng đen” lao dốc, người trồng lao đao - 3

Thấy cho lợi ích kinh tế kém, hàng loạt diện tích trồng tiêu bị triệt hạ, trụ trồng tiêu thì bị chặt thành nhiều đoạn xếp hàng loạt hai bên đường.

Nói về những khó khăn của người dân trồng tiêu ở thời điểm hiện tại, ông Phan Trọng Anh thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây, cho biết: Hiện giá tiêu hạt khô chỉ còn khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, thấp hơn so với giai đoạn từ năm 2013-2016 khoảng 120.000-140.000 đồng/kg. Thấp là vậy nhưng chưa chắc là thương lái đã thu mua.

Phú Yên: “Vàng đen” lao dốc, người trồng lao đao - 4

Ông Anh ngao ngán khi nói về những khó khăn của người trồng tiêu thời điểm hiện tại

“Đa phần giờ thương lái chê hạt tiêu khô rồi, chỉ mua tiêu tươi hạt non nhưng với giá chỉ 10.000 đồng/kg, với tiêu non thì nó nhẹ ký lắm, ví dụ bao tiêu đạt chuẩn thu hoạch nặng khoảng 30-40kg, nhưng bao tiêu non chỉ nặng chừng 10-15kg.

Bên cạnh đó, hiện công lao động hái tiêu rất cao, khoảng 300.000 đồng/ngày, hoặc người hái ăn chia với chủ vườn với tỉ lệ 6/4, nghĩa là người hái 6 phần còn chủ chỉ còn 4 phần. Vì vậy, tính đường nào nông dân cũng thua lỗ nặng nên dân ở đây ai cũng ngao ngán không muốn trồng, từ đó mà hàng loạt diện tích bị phá bỏ.” – ông Anh nói.

Phú Yên: “Vàng đen” lao dốc, người trồng lao đao - 5

Trụ trồng tiêu bị chặt thành nhiều khúc, xếp chồng lên nhau hai bên đường ở "thủ phủ" trồng tiêu Phú Yên

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, trước năm 2017, diện tích trồng cây hồ tiêu trên địa bàn huyện hơn 700 ha (chủ yếu tập trung ở xã Sơn Thành Tây), đến nay chỉ còn khoảng 1/4. Riêng xã Sơn Thành Tây còn khoảng 150 ha. Tuy nhiên, diện tích trồng cây hồ tiêu trên địa bàn xã dự báo sẽ tiếp tục giảm nữa vì hiện loại cây này không mang lại hiệu quả kinh tế như người dân mong đợi.

Nông dân loay hoay không biết trồng cây gì để thay thế

Sau khi hàng loạt diện tích cây tiêu bị chặt phá, người dân ở địa phương này rơi vào vòng luẩn quẩn, khó khăn không biết trồng cây gì để thay thế, đem lại hiệu quả kinh tế nâng cao đời sống của người dân.

Có 8 sào đất trồng tiêu nhưng đến nay gia đình ông Đoàn Văn Chiến trú xã Sơn Thành Đông đã phá bỏ 5 sào để trồng bắp và cà tím. Khi trồng loại cây này phát sinh dịch bệnh, sâu bọ nên chi phí đầu tư rất cao…

Phú Yên: “Vàng đen” lao dốc, người trồng lao đao - 6

Ông Chiến kể lại chuyện dịch bệnh tàn phá cây tiêu của người dân

“5 sào đất trồng vừa bắp vừa cà tím, hai vợ chồng tôi làm đầu tắt mặt tối 3 – 4 tháng liền may lắm thu được 3 – 4 triệu đồng. Dù ít nhưng vẫn hơn cây tiêu làm mất công mà lỗ. Hiện tại người dân ở đây đang khó khăn, luẩn quẩn không biết trồng cây gì thì hiệu quả. Vì vậy mong các cấp, các ngành nghiên cứu giúp dân” – ông Chiến kiến nghị.

Ông Trịnh Lâm Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây cho hay: Hiện nay, người dân đã phá bỏ các vườn tiêu bị bệnh để chuyển sang trồng sắn, bắp, cà tím và măng tây… Đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp cần có định hướng cụ thể để nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác đúng hướng, phù hợp với quy hoạch, khí hậu, thổ nhưỡng ở đây.

“Thêm vào đó, hiện nhiều hộ dân trên địa bàn xã còn nợ ngân hàng tiền đã vay vốn để đầu tư trồng tiêu. Vì thế, người dân mong muốn ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ và tạo điều kiện cho nông dân tiếp tục vay vốn để phát triển sản xuất”, ông Hải kiến nghị.

Phú Yên: “Vàng đen” lao dốc, người trồng lao đao - 7

Người dân ở địa phương này đang loay hoay không biết trồng cây gì để sinh sống

Việc người dân ồ ạt phá cây tiêu không chỉ có riêng tại huyện Tây Hòa, mà nhiều diện tích ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy An… cũng đang giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Trước đây, tổng diện tích trồng tiêu trên địa bàn huyện khoảng 200 ha, nay chỉ còn khoảng 60-70 ha. Nguyên nhân giảm diện tích là do dịch bệnh hại cây tiêu và giá tiêu hạt thấp nên nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác.

“Huyện cũng xác định, hồ tiêu là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nếu có quy hoạch phù hợp từng vùng cụ thể, đầu tư đúng kỹ thuật, phòng ngừa dịch bệnh tốt. Vì vậy, địa phương đang vận động nông dân phát triển theo hướng này, không nên ồ ạt phá bỏ”, ông Sự khuyến cáo.

Trao đổi về những khó khăn này với đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, đang phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu loại cây trồng phù hợp cho từng vùng để người dân chuyển đổi và phối hợp với các địa phương để có quy hoạch trồng cây hồ tiêu cho từng nơi.

Trung Thi