Phú Quốc, Hạ Long đang là “rốn tiền” của đại gia địa ốc
(Dân trí) - Xu hướng đi đầu của các “cá mập” tập đoàn sẽ kéo theo một xu hướng đầu tư mới và Phú Quốc - Hạ Long đang là “rốn tiền” mà các đại gia địa ốc đang chôn giấu.
Khác với tín hiệu u ám những năm trước, từ đầu năm trở lại đây Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Ninh) đang trở thành địa chỉ đỏ đầu tư, đổ vốn của các đại gia bất động sản. Hai địa phương này đang thu hút khoảng 1/3 các dự án và lượng vốn từ thị trường địa ốc trong thời gian qua. Từ các ông chủ địa ốc sừng sỏ của Việt Nam, đến các tập đoàn địa ốc lớn của thế giới đã đổ lượng đến hàng tỷ USD vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Nhộn nhịp dự án của đại gia nội - ngoại
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Phú Quốc là điểm sáng đặc biệt khi địa phương này đã và đang thu hút hàng loạt dự án của các tập đoàn lớn trong nước như CEO group, Vingroup… CEO Group đã tích cực triển khai khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế mang tên Sonasea Villas & Resort diện tích 80 ha, vốn 4.500 tỷ đồng, gồ khách sạn 5 sao đẳng cấp Crowne Plaza Phú Quốc. Cạnh đó, CEO Group cũng công khai xây dựng tổ hợp Novotel Phú Quốc Resort với quy mô 406 phòng dự kiến hoàn thành vào cuối năm sau.
Tập đoàn Nam Cường cũng vừa công bố ý định đầu tư 1 khu phức hợp hơn 3.200 tỷ đồng vào bất động sản nghỉ dưỡng. Sun Group đang có kế hoạch đầu tư một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Bãi Khem quy mô khoảng 100ha, BIM group cũng đang được hoàn thiện.
Theo khảo sát của CBRE tính đến đầu năm 2014, đã có khoảng 190 nhà đầu tư đổ vốn vào phú quốc, 100 dự án được phê duyệt. Chỉ tính riêng trong tháng 7, theo UBND tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã chấp nhận đầu tư cho 5 dự án với diện tích 43,44 h, cấp mới 6 giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 180ha, vốn khoảng 6.645 tỷ đồng. Hai dự án được kỳ vọng nhất thời gian tới chính là Khách sạn 5 sao Vinpearl Phú Quốc Resort&Spa với 500 phòng và khách sạn 5 sao Salinda Premium (120 phòng của tập đoàn Salinda sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động trong năm nay và năm tới.
Ở Hạ Long, thời gian gần đây các dự án tỷ đô lũ lượt tìm đến khiến giới đầu tư rất bất ngờ. Dự án Hạ Long Marina 287ha do BIM group đầu tư đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, tập đoàn Vingroup cũng sắp khai dự án Vincom center Hạ Long rộng 1,5ha, tổng mức đầu tư 1.071 tỷ đồng. Đáng kể nhất, đầu tháng 8/2014 Tập đoàn Tuần Châu đã ký kết hợp đồng bảo trợ tín dụng với Ngân hàng Liên Việt để khởi động Dự án cảng du thuyền quốc tế và Dự án (Smart City - Thành phố Thông minh) trị giá hàng trăm triệu USD.
Bên cạnh nhà đầu tư nội, Hạ Long đón sóng lớn từ nhà đầu tư ngoại, vừa qua Tập đoàn của các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất UAE là Nakheel đã công bố đầu tư vào dự án Ha Long Star, trị giá 550 triệu USD, rộng 125 ha; Tập đoàn ISC Corp của Mỹ cũng ngỏ ý đầu tư vào Dự án phức hợp vui chơi giải trí (Casino) tại đảo Tuần Châu, TP Hạ Long, với tổng vốn đầu tư lên tới 7,5 tỷ USD.
Một dự án khác là Khu đô thị - công nghệ cao trị giá khoảng 2 tỷ USD của Amata (Thái Lan) được xây dựng tại thị xã Quảng Yên – TP Hạ Long đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận và chính thức đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư trong thời gian tới.
Tín hiệu vui hơn khi đầu tuần qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất lên Bộ GTVT về kế hoạch chi tiết xây dựng cầu cảng đón tàu siêu sang, siêu trường siêu trọng đến Phú Quốc. Tín hiệu này càng thể hiện rõ việc các nhà đầu tư BĐS đổ vốn vào hai địa phương này đang góp phần vào xu hướng đầu tư lớn, cải cách lớn trong thời gian sắp tới.
Chất xúc tác cho “đặc khu kinh tế” tương lai
Nguyên nhân khiến vốn đổ bộ ồ ạt vào bất động sản hai địa bàn này có nhiều, trong đó đặc biệt là ảnh hưởng từ quy hoạch phát triển cũng như chiến lược phát triển đặc khu kinh tế của Phú Quốc và Vân đồn. Mặc dù Chính phủ hoãn chủ chương lập đặc khu trong năm nay nhưng có được sự đồng thuận từ các chuyên gia kinh tế về việc cần thiết phải thiết lập đặc khu kinh tế cho hai địa bàn này là điều rất tích cực để các nhà đầu tư “trông giỏ bỏ thóc” vào đây.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể bỏ lượng vốn lớn, thời gian hoàn vốn dài so với các dự án khác được. Theo nhiều chuyên gia bất động sản nhận định: sân chơi cho bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch chỉ dành cho những ông lớn, nhà đầu tư ngoại mà thôi. Nếu từ 10 – 20 mới thu hồi được vốn, các DN nhỏ và vừa sẽ không thể tham gia được.
Theo GS Đặng Hùng Võ, “Các nhà đầu tư lớn, với các tham vọng lớn sẽ có thể làm thay da đổi thịt cho các địa phương này. Điều quan trọng hơn, xu hướng đầu tư của DN lớn sẽ kéo theo các DN nhỏ và vừa hoạt động trong các ngành khác đi theo: dịch vụ hàng hải, dịch vụ du lịch, lữ hành, giao thông, cảng biển… Các DN lớn đang tạo nên xu hướng của cá mập tập đoàn trong kinh doanh địa ốc tại địa phương này ”. Cũng theo ông Võ sở dĩ trong mấy tháng trở lại đây, Phú Quốc, Hạ Long thu hút nhiều dự án của đại gia bất động sản trong nước và quốc tế là do: Hai viên ngọc của Việt Nam đã được dòm ngó và có ý định từ rất lâu, đến thời điểm này các dự án mới bung hàng và đầu tư mạnh mẽ đế đón đầu chiến lược phát triển. Đây sẽ là động lực mới cho ngành du lịch, cơ sở hạ tầng và sẽ là chất xúc tác cho việc hình thành đặc khu kinh tế trong tương lai.
Ở một chiều hướng khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định: “Các DN đổ vốn nhằm đón đầu xu hướng gia tăng giá trị ở hai điểm vàng đầu tư mới. Họ tận dụng lợi thế về vốn, kinh nghiệm để chen chân vào chuỗi giá trị. Tuy nhiên, trong 1 vài năm trước chúng ta cũng chứng kiến cảnh các DN đầu tư vào đây nhưng nhiều dự án chậm tiến độ triển khai khiến lỡ quy hoạch, phát triển của địa phương. Cần có cơ chế kích thích đầu tư hoặc là đưa ra những biện pháp để vốn đầu tư được giải ngân nhanh và đúng tiến độ”.
Hiện, cơ hội có nhiều nhưng thách thức của hai địa phương này cũng không nhỏ. Đối với Phú Quốc chính là giá cả nguyên vật liệu đắt gấp 1,5 – 2 lần so với đất liền trong khi chi phí xây dựng lại tăng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, nhân lực chất lượng cao hạn hẹp sẽ là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của đảo Ngọc – Phú Quốc. Còn tại Hạ Long, vấn đề quy hoạch các dự án theo quy hoạch và định hướng phát triển đang cần hoàn thiện nhằm tạo liên kết chuỗi: du lịch – kinh doanh bất động sản và nghỉ dưỡng.