Phú Quốc bị chê đắt đỏ, lỗi có tại giá cước vận chuyển?

Hạnh Vũ

(Dân trí) - Phú Quốc đắt đỏ là từ khóa "nóng" những ngày gần đây. Một số người cho rằng giá cước vận chuyển đồ ra đảo đắt đỏ làm tăng giá hàng, giá dịch vụ. Thực hư ra sao?

Gần đây, câu chuyện đảo ngọc Phú Quốc vắng khách dịp lễ 30/4-1/5 do "giá cả ăn uống và dịch vụ cao so với các điểm du lịch khác" đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Bên cạnh yếu tố giá vé máy bay tăng cao trong đợt này, một số du khách còn cho rằng lượng khách đến Phú Quốc ít đi một phần là vì giá cả đắt đỏ, trong đó có dịch vụ ăn uống.

Phú Quốc bị chê đắt đỏ, lỗi có tại giá cước vận chuyển?  - 1

Một góc chợ Dương Đông, Phú Quốc (Ảnh: Tripadvisor).

Trên thực tế, Phú Quốc vốn có đặc thù là địa phương biển đảo nên phần lớn lương thực, thực phẩm tại đây được nhập từ đất liền. Để phục vụ cho nhu cầu của người dân và du khách, mặt hàng này cần được bảo quản tốt và vận chuyển nhanh để tránh hư hỏng.

Một số mặt hàng tiêu dùng thực phẩm hay được gửi từ đất liền ra Phú Quốc bao gồm gạo, rau củ, khoai sắn, bún, nước mắm, đồ khô, đồ hộp và thực phẩm đông lạnh…

Hiện nay, cùng sự phát triển của hệ thống vận chuyển, đã có nhiều hình thức rút ngắn được thời gian hàng hóa đến Phú Quốc so với trước đây. Vậy giá cước vận chuyển tới Phú Quốc ra sao, có thực sự đắt đỏ hơn so với đến các địa phương khác từ cùng một địa điểm? 

Trang web của một nhà xe niêm yết mức giá vận chuyển đường bộ từ TPHCM đến Phú Quốc với mức giá dao động 25.000-65.000 đồng mỗi kiện với hàng cá nhân, hàng lẻ, bưu kiện hay thực phẩm đông lạnh. Còn với hàng từ 50kg trở lên, đơn vị này sẽ tính giá theo cân, dao động từ khoảng 2.400 đồng/kg cao nhất, còn thấp nhất khoảng gần 1.200 đồng/kg. Hàng càng nặng thì giá cước càng thấp. Chẳng hạn, nếu vận chuyển hàng từ 2 tấn trở lên, đơn vị này sẽ tính giá là 1.192 đồng/kg, tương đương gần 2,4 triệu đồng tiền cước. 

Mức giá trên chưa bao gồm VAT 10% và đã gồm bốc xếp lên xuống hàng. Theo đơn vị này, trước đây, vận chuyển hàng hóa đến Phú Quốc thường mất 7-10 ngày, đôi khi kéo dài tới một tháng nếu thời tiết không thuận lợi. Để rút ngắn thời gian trên, họ đã đưa vào hoạt động tuyến hàng nhanh bằng đường bộ trực tiếp đến Phú Quốc với thời gian giao nhận hàng trong vòng 24 giờ.

Trong khi đó, một đơn vị khác cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng từ TPHCM đi Phú Quốc bằng đường hàng không, nhận trong ngày. Dịch vụ trên giúp khách hàng rút ngắn thời gian giao nhận xuống chỉ còn 6-8 tiếng thay vì hàng chục tiếng như các phương thức khác. Công ty có 2 dịch vụ giao hàng bằng đường hàng không chính, bao gồm hỏa tốc và chuyển phát nhanh bay thẳng.

Với dịch vụ hỏa tốc, cước phí được tính theo khoảng cách từ nơi giao hàng tới Phú Quốc. Chẳng hạn, cước vận chuyển hỏa tốc (khối lượng dưới 2kg) từ TPHCM đến Phú Quốc tương đương với một số tuyến như Hải Phòng, Vinh và Huế là 159.000 đồng và chỉ nhỉnh hơn tuyến Hà Nội 10.000 đồng. Hàng hóa từ 10kg trở lên, cước phí của tuyến TPHCM - Phú Quốc cũng không chênh lệch quá nhiều so với các tuyến khác. 

Phú Quốc bị chê đắt đỏ, lỗi có tại giá cước vận chuyển?  - 2
Phú Quốc bị chê đắt đỏ, lỗi có tại giá cước vận chuyển?  - 3

Tương tự, với dịch vụ chuyển phát nhanh, cước phí vận chuyển hàng hóa (dưới 2kg) từ TPHCM đến Phú Quốc cũng bằng với các chuyến đi Huế, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa. Còn với hàng hóa từ 10kg trở lên, đa phần cước phí tuyến TPHCM - Phú Quốc có giá thấp hơn các tuyến khác. 

Cả 2 bảng trên đều là cước phí chưa bao gồm VAT (10%) và phụ phí xăng dầu.

Trong khi đó, một đơn vị khác niêm yết cước vận chuyển tuyến TPHCM đến một số tỉnh khác bằng đường bộ với cước phí vận chuyển với hàng hóa trọng lượng dưới 50kg (ghép xe) tuyến TPHCM - Phú Quốc thậm chí rẻ bằng một nửa so với các tuyến TPHCM - Đà Nẵng và TPHCM - Nha Trang. Ở các hạng mục khác, hầu hết giá cước tuyến TPHCM - Phú Quốc đều thấp hơn hoặc chỉ cao hơn một chút so với 2 tuyến còn lại. 

Phú Quốc bị chê đắt đỏ, lỗi có tại giá cước vận chuyển?  - 4

Một đơn vị khác đưa ra giá cước dao động từ 600 đồng đến 1.200 đồng/kg (vận chuyển đường bộ) và nhận vận chuyển hàng từ mọi tỉnh thành trên cả nước đến Phú Quốc.

Có thể nói, nếu xét theo bảng giá của một số đơn vị trên, khó có thể đánh giá rằng chi phí vận chuyển hàng hóa ra Phú Quốc cao hơn so với các địa phương khác dẫn tới chi phí dịch vụ ăn uống tại đây cao hơn. 

Ngoài chi phí nhập thực phẩm từ đất liền, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại đây còn chịu một số loại chi phí khác như thuê mặt bằng, điện nước, thuê nhân viên.