Phụ nữ Việt Nam am hiểu tài chính thứ 4 trong khu vực Châu Á/Thái Bình Dương
(Dân trí) - MasterCard WorldWide vừa lần đầu tiên công bố chỉ số “Am hiểu Tài chính” tại khu vực Châu Á/Thái Bình Dương. Đáng chú ý, phụ nữ Việt Nam xếp thứ 4 trong số các nước tại khu vực này.
Chỉ số này bao gồm 3 chỉ tiêu chính: “Khả năng quản lý tiền bạc căn bản” - kiểm tra các kĩ năng của người trả lời về việc lập ngân sách, tiết kiệm và trách nhiệm sử dụng tín dụng; “Lập kế hoạch tài chính” - đánh giá kiến thức của họ về các sản phẩm, dịch vụ, khái niệm về tài chính và khả năng lập các kế hoạch tài chính dài hạn; và “Đầu tư” - cho thấy sự hiểu biết căn bản của họ về các loại rủi ro đầu tư khác nhau, các sản phẩm đầu tư và các kĩ năng cần thiết.
Chỉ số “Am hiểu Tài chính” được tính bằng cách lấy trung bình cộng của 3 chỉ tiêu trên, với 100 là điểm số cao nhất và 0 là thấp nhất. Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 13/9 đến 11/11 năm 2010 và sẽ tiếp tục được tiến hành hàng năm.
Theo công bố của MasterCard WorldWide, phụ nữ Thái Lan dẫn đầu bảng chỉ số “Am hiểu Tài chính” với số điểm 73,9. Họ đạt được điểm cao nhất trong việc “Lập kế hoạch tài chính” (87,0) và “Đầu tư” (69,3). Chỉ số này vượt xa các phụ nữ tại 13 quốc gia Châu Á/Thái Bình Dương khác được khảo sát.
Đáng chú ý, trong số này, phụ nữ Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 với tổng số điểm là 70,1. Hai quốc gia phát triển là Hàn Quốc (55,9) và Nhật Bản (59,9) lại có chỉ số này thấp hơn.
Trong 3 chỉ tiêu khảo sát trên, phụ nữ tại khu vực Châu Á/Thái Bình Dương đạt được điểm số cao nhất trong việc “Lập kế hoạch tài chính (74,6), tiếp đó là “Khả năng quản lý tiền bạc căn bản” (63,9) và “Đầu tư” (56,7).
Trong số các quốc gia phát triển, New Zealand và Úc đạt được số điểm tổng cộng cao nhất, đứng thứ hai và thứ ba với 71,3 và 70,2 điểm. Họ cũng dẫn đầu về “Khả năng quản lý tiền bạc căn bản” với số điểm đạt được là 76,7 và 75,8 tương ứng.
Tuy nhiên, họ lại không thực hiện tốt việc “Lập kế hoạch tài chính” với số điểm thấp hơn mức trung bình của 12 quốc gia khác, và “Khả năng đầu tư”, với số điểm đạt được tương ứng là 58,3 và 55,2.
Singapore đứng ở vị trí thứ 5 thực hiện khá tốt “Khả năng quản lý tiền bạc căn bản” (70,0) và “Lập kế hoạch tài chính” (80,4). Tuy nhiên, phụ nữ Singapore lại thua phụ nữ tại các quốc gia khác về kĩ năng và kiến thức “Đầu tư” với số điểm 51,5, thấp hơn mức trung bình trong khu vực.
Các quốc gia đang phát triển Philippines (68,2 điểm), Indonesia (66,5 điểm) và Malaysia (66,0 điểm) cũng nằm trong tốp 10 chỉ số cao nhất, vượt xa các quốc gia Ấn độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chỉ số “Am hiểu Tài chính” tại các quốc gia đang phát triển và đông dân nhất trên thế giới Ấn Độ (61,4) và Trung Quốc (60,1) thấp hơn so với số điểm của phụ nữ tại các quốc gia khác. Phụ nữ Trung Quốc và Ấn Độ đặc biệt yếu về “Khả năng quản lý tiền bạc căn bản” (với điểm số đạt được tương ứng là 54,4 và 58,8), gần mức thấp nhất trong bảng xếp hạng cho chỉ tiêu này tại Châu Á/TBD. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia duy nhất tại Châu Á/Thái Bình Dương có chỉ số “Am hiểu Tài chính” dưới 60.
Tiến Nguyên