1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Phó Thủ tướng: Sẽ nới giới hạn dư nợ quốc gia

(Dân trí) - Phó Thủ trướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ đang tính toán một chiến lược vay nợ mới, theo đó, do nền kinh tế chúng ta đã phát triển hơn nên giới hạn về dư nợ quốc gia sẽ được điều chỉnh theo hướng cao hơn.

Phó Thủ tướng: Sẽ nới giới hạn dư nợ quốc gia - 1
Việt Nam đã có Quy chế xây dựng và quản lý hệ thống chỉ tiêu đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài của quốc gia (ảnh minh họa).
 
Thưa Phó Thủ tướng, nợ quốc gia đang là vấn đề lo ngại lớn, Chính phủ đánh giá vấn đề này như thế nào?
 
Vấn đề nợ quốc gia của các nước phát triển đang diễn biến xấu, bởi nợ quốc gia không phải chỉ là nợ của quốc gia đó mà đã thị  trường hóa trên thị trường tài chính quốc tế.
 
Tất cả trái phiếu các nước đó phát hành ra đều do các tổ chức tài chính trung gian mua vào nên ảnh hưởng không chỉ tới kinh tế của các nước đó mà còn ảnh hưởng cả tới thị trường tài chính tiền tệ, sản xuất kinh doanh, mang tính toàn cầu, ta phải đề phòng.
 
Từ lâu chúng ta đã đưa ra một hệ số an toàn - hệ số này được tính toán trên cơ sở phù hợp với điều kiện sức khỏe của từng nước. Chẳng hạn dư nợ quốc gia của các nước có thể trên 100% GDP, xấp xỉ 100% GDP, dưới 100% GDP, nhưng nước ta là khoảng 50% GDP.
 
Hơn nữa, chúng ta cũng đề phòng, tính toán nợ quốc gia của mình với khoản nợ ODA là chính rồi nợ dài hạn. Với nguồn vay ODA, thời gian vay thường 30 - 40 năm cho nên thời gian trả nợ rất lâu và khi mình phát triển rồi sẽ có khả năng trả nợ.
 
Thứ hai, trong cơ cấu mình nợ quốc gia, phần vay cho doanh nghiệp phải đưa vào những doanh nghiệp đầu tư, nhưng trả được nợ.
 
Về giai đoạn tới đây, nước ta đã chuyển từ một nước kém phát triển sang một nước bắt đầu phát triển ở mức trung bình thấp nên có thể bắt đầu vay một số khoản đề dành cho hạ tầng, giáo dục đào tạo, các vùng nghèo… Những khoản đầu tư này chưa đem lại tăng trưởng ngay được cho nên chúng ta phải tính tỷ lệ.
 
Trong năm nay, Chính phủ sẽ tính toán để xây dựng một chiến lược nợ mới, trong đó tính toán mức an toàn của ta bao nhiêu là mức hợp lý. Đây đang là câu hỏi mà câu trả lời phụ thuộc vào việc trong 10 năm tới, 20 năm tới chúng ta phát triển với tốc độ nào, có bền vững không.
 
Tới đây chúng ta sẽ thực hiện nhiều dự án lớn như đường sắt cao tốc, quy hoạch Thủ đô… và vấn đề dư nợ quốc gia càng trở nên đáng ngại hơn?
 
Chúng ta vay nợ, một là vay ODA, trong đó có khoản tài trợ không hoàn lại như tài trợ kỹ thuật hoặc có khoản lãi suất thấp. ODA chủ yếu là các tổ chức tài chính quốc tế, một số nước phát triển dành cho ta, ví dụ Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế… Chúng ta thuộc loại những nước người ta ưu tiên hơn và chúng ta phải tranh thủ nguồn đó.
 
Phó Thủ tướng: Sẽ nới giới hạn dư nợ quốc gia - 2
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: "Giới hạn vay có thể cao hơn"
 
Còn các khoản vay khác, chúng ta chuyển dần sang khoản đầu tư. Ví dụ lâu nay mình nói đầu tư cổ phần hóa vào doanh nghiệp, Công ty này, Công ty kia mình có thể cho nước ngoài mua, tức người ta đem vốn của người ta vào, chứ không phải là nợ. Nếu mình cứ đi vay để đầu tư 100% cũng không có lợi.
 
Cho nên cơ cấu của đầu tư trong tương lai phải thay đổi.
 
Ở trên ông có nói về việc xây dựng một giới hạn an toàn dư nợ quốc gia mới, vậy con số đó là bao nhiêu?
 
Trong giai đoạn nền kinh tế của ta thấp thì ta tính khoảng 50% GDP, còn thời gian tới sẽ phụ thuộc vào khả năng phát triển của ta trong trung hạn, dài hạn. Tức là phát triển, làm ra nhiều của cải, khả năng trả nợ lớn hơn thì ta có thể vay cao hơn. Còn cao hơn bao nhiêu sẽ phải tính.
 
Phải tính toán về cơ cấu, trong nợ quốc gia, Chính phủ vay bao nhiêu, doanh nghiệp vay bao nhiêu. Thêm nữa, thời hạn vay dài hay ngắn… Đó là những kỹ thuật rất chi tiết, nếu mình không lên một bài toán chiến lược tổng thể, tầm nhìn dài, đến một lúc nào đó, ngày trả nợ mình không  trả được sẽ rất nguy ngập, như Hy Lạp chẳng hạn hay trước đây là Achentina…
 
Cách đây 5 - 7 năm Achentina lâm vào khủng hoảng nợ quốc gia mà nguyên nhân chính là họ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay quá nhiều, sau đó chuyển từ nợ doanh nghiệp sang nợ Chính phủ và Chính phủ trở thành con nợ vô cùng to lớn.
 
Trong kế hoạch vay nợ sắp tới, chúng ta có tính tới việc nền kinh tế đã phát triển ở mức độ khác và việc vay ODA sẽ trở nên khó khăn hơn?
 
Tôi đã nói cơ cấu các khoản vay nợ, trong đó gồm nợ dài hạn, nợ ODA, nợ kỹ thuật, tài trợ kỹ thuật…  Với nợ mang tính chất tín dụng, thường là những khoản có lãi, phải để cho doanh nghiệp - doanh nghiệp nào trả được, tùy sức trả mà tính toán…
 
Xin cám ơn ông!
 
Cấn Cường