Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: "Chính phủ kiến tạo là không có cơ chế xin - cho"
(Dân trí) - "Chính phủ kiến tạo là đưa ra chính sách mà chính sách đó tạo môi trường thuận lợi cho mọi thành phần tham gia hoạt động kinh tế. Tạo sân chơi chung, bình đẳng. Không có cơ chế xin - cho".
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tại diễn đàn kinh tế đối ngoại 2016 - Vietnam Summit diễn ra tại TPHCM sáng nay (3/11).
Trong phiên thảo luận chính, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trả lời hàng loạt câu hỏi "hóc búa" của ông Jon Fasman, Trưởng văn phòng khu vực Đông Nam Á, tạp chí The Economist về nền kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Trong lúc Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đang trả lời các chính sách của Việt Nam về thị trường, lao động, công nghệ... thì một nữ doanh nhân ở dưới đặt câu hỏi: "Thế nào là Chính phủ kiến tạo? Chúng tôi nghe nhiều nhưng chưa biết kiến tạo là gì? Chúng tôi muốn môi trường kinh doanh không phải đi xin quá nhiều!".
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, kiến tạo là Chính phủ đưa ra chính sách và chính sách đó phải tạo thuận lợi để doanh nghiệp, người dân phát huy hết khả năng của mình. Chính sách đó tạo môi trường thuận lợi cho mọi thành phần trong đất nước tham gia kinh tế, tạo sân chơi chung, bình đẳng.
"Kiến tạo là Chính phủ tạo điều kiện chứ không phải Chính phủ đi vào điều hành quản lý các lĩnh vực cụ thể. Chính phủ sẽ minh bạch trong chính sách của mình để người dân thấy chính sách đó là áp dụng chung và không có cơ chế xin - cho", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Điều phối chương trình, ông Jon Fasman băn khoăn khi đặt vấn đề nếu Việt Nam áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh thì sẽ đi theo "vết xe đổ" của một số nước phát triển là đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cho người lao động. Vậy Việt Nam phải ứng xử ra sao giữa đầu tư và người lao động?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, việc thay đổi mô hình tăng trưởng mới Việt Nam đang vấp phải nhiều thách thức. Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất phải đối mặt với nhiều thách thức về giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Trong khi đó tập trung phát triển kinh tế theo chiều sâu thì lợi thế về nhân công giá rẻ cũng mất đi đòi hỏi toàn thể nền kinh tế phải nỗ lực nhiều hơn.
“Trước đây kinh tế Việt Nam dựa vào nguồn nhân công rẻ, kinh tế phát triển đến mức nhân tố nhỏ lẻ không thể phát triển như thời gian trước đây. Đến nay cần thay đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao mô hình phát triển, tăng năng suất lao động, sử dụng trí thức trong thúc đẩy sản xuất. Đó chính là những nhân tố để tăng mô hình phát triển, kết hợp chiều rộng lẫn và tập trung vào chiều sâu”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Một báo cáo gần đây của tổ chức lao động thế giới thì quá trình cách mạng công nghệ lần 4 có thể tác động 86% lao động trong ngành dệt may, da giày vì sử dụng tay nghề đơn giản. Đây là thách thức cực kỳ lớn, nên trước mắt cần phải đào tạo lại nguồn nhân lực và chuyển dịch ngành nghề phù hợp.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, áp lực lớn của nền kinh tế khi ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động là phải giải quyết khối lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động. Do đó, để đối phó với thực tế này, Việt Nam sẽ phải giải quyết công ăn việc làm, phải đào tạo lại nghề cho người lao động.
Đề cập tới Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP, ông Jon Fasman hỏi Phó Thủ tướng rằng: “Ngài có lo lắng về số phận của TPP. Nếu TPP không được thông qua thì sao?”.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, việc thay đổi mô hình tăng trưởng mới Việt Nam đang vấp phải nhiều thách thức
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam tham gia vào đàm phán cũng như ký kết Hiệp định TPP với mong muốn thúc đẩy tự do thương mại giữa các nước. Hiệp định này mở ra cơ hội cho kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế các nước thành viên. Do đó, Việt Nam mong muốn hiệp định TPP sẽ được các nước phê chuẩn.
“Chúng tôi trông đợi Hoa Kỳ sẽ phê chuẩn hiệp định này vì Hoa Kỳ là nước quan trọng, nếu Hoa Kỳ không phê chuẩn thì hiệp định không có hiệu lực. Việt Nam cũng đang trong quá trình xem xét để phê chuẩn hiệp định, đây cũng là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam. Nếu TPP được thông qua thì nó mang lại lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên nhưng nếu vì một lý do nào đó mà TPP không được thông qua thì đó là điều thiệt hại cho các thành viên, những nước đã dành công sức để xây dựng một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định, không có TPP thì Việt Nam vẫn tiếp tục đường lối đổi mới, hội nhập kinh tế sâu và rộng như đề ra. Việt Nam vẫn còn có hiệp định thương mại tự do khác với Liên minh Châu Âu, Liên minh Á – Âu, với một số nước, cũng như Việt Nam sẽ tham gia vào cùng các nước ASEAN để tạo lập 1 hiệp định thương mại tự do của khu vực. Các nước APEC cũng đang đàm phán về một hiệp định thương mại tự do cho Khu vực Châu Á - Thánh Bình Dương”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.
Công Quang