Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Chênh lệch giá vàng sẽ được thu hẹp dần”
(Dân trí) - “Về trung và dài hạn, trong điều kiện khuôn khổ pháp lý mới và với sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp dần”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Chiều nay 12/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII.
Báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về quản lý thị trường vàng cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt các biện pháp sắp xếp tổ chức lại thị trường, hoàn thiện thể chế và vận hành cơ chế can thiệp bình ổn thị trường vàng.
Theo đó, kể từ ngày 25/11/2012, các tổ chức tín dụng không được huy động vốn bằng vàng dưới mọi hình thức. Đến nay, số dư huy động, cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể so với cuối năm 2012. Tính đến cuối tháng 5/2013, số dư huy động vàng của các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 75%, số dư cho vay vàng đã giảm khoảng 40% so với cuối năm 2012.
Và cũng theo đánh giá của Chính phủ, sau gần một năm thực hiện, khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng nói chung và Nghị định 24 nói riêng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Những biện pháp mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước áp dụng đã “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế; khắc phục tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng; tiến tới từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội”.
Cũng theo báo cáo của Phó Thủ tướng trước Quốc hội thì “Mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn cao nhưng thị trường vàng đã ổn định hơn. Về trung và dài hạn, trong điều kiện khuôn khổ pháp lý mới và với sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp dần”.
Đánh giá về điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, báo cáo cho biết: Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất, bảo đảm vốn tín dụng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.
Hiện tại, thị trường ngoại hối và tỷ giá tương đối ổn định; dự trữ ngoại hối của Nhà nước tăng cao, đạt trên 12 tuần nhập khẩu; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được nâng lên. So với cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 3 - 4%/năm. Dư nợ tín dụng cũng đã tăng trở lại qua các tháng; tính đến ngày 31/5/2013, dư nợ tín dụng tăng 2,98% so với cuối năm 2012, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 (5 tháng đầu năm 2012 tăng 0,56%).
Về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, ngành ngân hàng cơ bản kiểm soát được tình hình của 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng này được cải thiện đáng kể; quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm; nguy cơ mất an toàn giảm.
Về xử lý nợ xấu, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 4/2013 tỷ lệ nợ xấu là 4,67%. Và theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm cuối năm 2012, tỷ lệ nợ xấu là 7,8%.
Theo đánh giá của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc trích lập dự phòng rủi ro. Dự phòng rủi ro tín dụng liên tục tăng từ 59,4 nghìn tỷ đồng cuối tháng 1/2012 lên mức cao nhất 78,6 nghìn tỷ đồng cuối tháng 11/2012. Trong tháng 12/2012, các tổ chức tín dụng đã sử dụng đáng kể dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nên dự phòng rủi ro tháng 12/2012 giảm xuống còn 64,2 nghìn tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2013, mức trích lập dự phòng rủi ro đã được bổ sung và đạt 73,6 nghìn tỷ đồng.
Nguyễn Hiền