1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phó Thủ tướng muốn công nghiệp hỗ trợ nhanh chóng “hội nhập” chuỗi giá trị toàn cầu

(Dân trí) - “Nếu coi công nghiệp là quả núi, thì công nghiệp hỗ trợ là chân núi. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nào tham gia được chuỗi toàn cầu thì doanh nghiệp đó mạnh”.

Câu chuyện trên được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại địa bàn tỉnh Hải Dương, hôm nay (4/2).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, trong nhiều năm qua, với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định.

“Nếu coi công nghiệp là quả núi, thì công nghiệp hỗ trợ là chân núi. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nào tham gia được chuỗi toàn cầu thì doanh nghiệp đó mạnh. Công nghiệp chế biến, chế tạo trong những năm gần đây đã trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng cho nền kinh tế với mức tăng trưởng trên 9%” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng muốn công nghiệp hỗ trợ nhanh chóng “hội nhập” chuỗi giá trị toàn cầu - 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ 

Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp; quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo; sản phẩm công nghiệp phụ trợ chưa phong phú…

Phó Thủ tướng kỳ vọng, với sự hỗ trợ của Samsung Việt Nam - một tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc, Chương trình tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ do tỉnh Hải Dương, Bộ Công Thương phối hợp thực hiện sẽ đem lại kết quả cao. 

Đối với việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, để ngành công nghiệp hỗ trợ đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian tới, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

“Chính phủ đang nỗ lực hành động để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế” - Phó Thủ tướng nói. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ để trình Quốc hội xem xét, ban hành trong thời gian tới. Tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc, bất hợp lý trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 liên quan đến phạm vi công nghiệp hỗ trợ; trong đó làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi.

Bộ Công Thương được giao rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Xây dựng định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho một số ngành chính có thế mạnh thay thế sản phẩm nhập khẩu trong thời gian tới. 

Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tỉnh Hải Dương.

Về phía các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng kỳ vọng các doanh nghiệp nỗ lực để “trưởng thành” và trở thành những nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 của nhiều Tập đoàn lớn trên thế giới.

Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết, trong hơn 27 năm qua, mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã trải qua những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, thương mại và đầu tư. Hai nước hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau và Hàn Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức rất thành công đến Hàn Quốc, hai bên tiếp tục khẳng định là phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2020. 

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm