1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phó Thống đốc: Điều hành tỷ giá không thể vì một nhóm doanh nghiệp xuất khẩu!

(Dân trí) - Theo khẳng định của Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tới thời điểm hiện tại, tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN và trên thị trường cũng không xuất hiện nhu cầu đột biến. Việc điều hành phải căn cứ vào bức tranh tổng thể chứ không thể chỉ vì lợi ích xuất khẩu.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng (ảnh: SBV)
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng (ảnh: SBV)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 diễn ra chiều ngày 21/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố thông tin cuộc họp ngày 18/3, diễn biến đồng USD đã thay đổi xu hướng giảm. 

Cụ thể, đồng USD tăng giá mạnh chủ yếu so với các ngoại tệ mạnh như Euro, bảng Anh, đô la Úc còn so với Yên Nhật, Nhân dân tệ, baht Thái Lan… thì lại giảm (các đồng tiền này tăng giá so với USD).

“Đây là diễn biến hàng ngày, hàng giờ nên quyết định điều hành cần theo sát” – lãnh đạo NHNN cho biết.

Theo bà Hồng, trong tháng 3, tỷ giá trên thị trường có lúc tăng, giảm là diễn biến bình thường. Trong ngày nguồn cung lớn thì tỷ giá giảm còn ngày nào nhu cầu tăng mạnh, tỷ giá tăng. Hôm nay tỷ giá USD/VND đã giảm mạnh xuống còn 21.582 đồng, so với mức trần thấp hơn khoảng gần 200 đồng. “Như vậy diễn biến tỷ giá vẫn đang trong biên độ kiểm soát của NHNN”- bà Hồng cho biết. Trong khi đó, “trên thị trường không có nhu cầu đột biến để gây tác động”.

Phó Thống đốc NHNN nhận định, tỷ giá là vấn đề nhạy cảm, chịu tác động tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Nếu không hiểu thực chất về yếu tố, số liệu có thể tâm lý kỳ vọng sẽ gây ra cung cầu không thực. Do đó cần kiểm soát kỳ vọng tỷ giá và cần sự hỗ trợ của các cơ quan, chuyên gia.

Bà Hồng dẫn chứng, thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 hồi tháng 5 năm ngoái, thời điểm đó tỷ giá ổn định và NHNN không phải bán ngoại tệ để can thiệp.

Cũng theo Phó Thống đốc, trên cơ sở đánh giá tình hình cán cân thanh toán quốc tế, phối hợp các cơ quan khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN tính toán cán cân thanh toán thặng dư khoảng 5 tỷ USD, do đó NHNN có thể ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra.

Bà Hồng khẳng định, NHNN luôn chú trọng kiểm soát các yếu tố ngắn hạn như lãi suất, phối hợp với phương châm nâng cao vị thế của VND. “Khi quyết định điều chỉnh ở mức độ nào, mức độ có lớn hay không cần tính trên bình diện nền kinh tế, không nhìn nhận trên nhóm doanh nghiệp xuất hay nhập khẩu” – Phó Thống đốc phân tích. Theo đó, việc điều hành tỷ giá phải tính trên bình diện tổng thể nền kinh tế, không phải vì lợi ích một nhóm doanh nghiệp xuất khẩu. 

Bà Hồng cũng cho biết thêm, lạm phát tuy ở mức thấp nhưng không thể chủ quan vì lịch sử cho thấy đã có thời kỳ lạm phát giảm mạnh song sau đó tăng nhanh, do đó cần thận trọng.

Một yếu tố khác cần cân nhắc đó là vấn đề nợ nước ngoài, nợ công đã tiến sát ngưỡng Quốc hội cho phép (65% GDP). Trong trường hợp điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động đến nghĩa vụ trả nợ. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng sẽ tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài. Như vậy, so sánh các mặt lợi ích trong nhập khẩu và thua thiệt trong xuất khẩu cũng như có xem xét đến nợ nước ngoài cần phải thận trọng. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, NHNN sẽ bám sát diễn biến để đề ra các giải pháp cụ thể trong thời gian sắp tới.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm