Phó Thống đốc: 16 ngân hàng đã giảm hơn 11.800 tỷ đồng tiền lãi cho vay
(Dân trí) - 16 ngân hàng thương mại đã thực hiện giảm lãi suất cho vay cho khách hàng tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7 đến cuối tháng 9 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.
Phó Thống đốc bày tỏ, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là không cào bằng. Đơn vị nào khó khăn thì giảm nhiều, khó khăn ít thì giảm ít để chia sẻ với những khó khăn chung của nền kinh tế.
Trước đó, dữ liệu do NHNN công bố cho thấy, có ngân hàng giảm lãi cho khách lên tới cả trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ đồng nhưng cũng có ngân hàng chỉ mới giảm 3-5 tỷ đồng. Trong đó, Agribank dẫn đầu danh sách khi giảm lãi tới hơn 4.700 tỷ đồng, tiếp theo là BIDV với 1.032 tỷ đồng. MB là ngân hàng tư nhân giảm lãi tích cực nhất với 550 tỷ đồng...
Chia sẻ tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng quý III vào chiều nay (12/10), Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ "vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế". Đến ngày 7/10, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020.
Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng (TCTD), đến cuối tháng 9, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Lũy kế từ 23/1/2020 cuối tháng 9 vừa qua, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7 đến cuối tháng 9 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.
Về kết quả triển khai cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tính đến cuối tháng 9, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/01/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.
Công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng. Đến ngày 7/10, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%).
Đề cập tới chính sách điều hành thời gian tới, ông Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế; đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế.