Philippines, Singapore tạm dừng sáp nhập Uber vào Grab, tại sao Việt Nam lại không?
(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cho biết mỗi một quốc gia có quy định khác nhau, cơ chế xử lý cách thức khác nhau về vấn đề cạnh tranh...
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã quyết định tiến hành điều tra sơ bộ thương vụ Grab “thâu tóm” Uber.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cho biết hiện vẫn đang trong quá trình tiến hành điều tra. Theo quy định, thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày kể từ ngày có quyết định.
Liên quan đến thương vụ này, một số chuyên gia cho rằng, rất khó có cơ sở khẳng định việc Uber sáp nhập vào Grab vi phạm Luật Cạnh tranh, bởi đến nay chúng ta vẫn còn lúng túng trong việc định danh Uber, Grab?
Thực sự việc định danh này cũng là một trong những yếu tố khó khăn trong quá trình điều tra. Thời gian qua trên báo chí cũng thấy nhiều chuyên gia lên tiếng về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo quy định thì phải xác định cả thị trường liên quan. Sau đó tính tiếp thị phần. Chúng tôi đã và sẽ tiến hành theo đúng quy định.
Bây giờ vẫn đang trong quá trình tiến hành điều tra, thu thập, do vậy tôi chưa thể đưa ra bất kỳ nhận định gì, tuy nhiên tôi có thể chắc chắn việc điều tra sẽ được diễn ra cẩn trọng, khách quan, công bằng với doanh nghiệp.
Sau khi có số liệu cần thiết, qua đó mới nhận định được sơ bộ tình hình. Khi nào có thông tin chúng tôi sẽ công bố đầy đủ trên các phương tiện truyền thông.
Philippines, Singapore tạm dừng sáp nhập Uber vào Grab để tiếp tục điều tra xem xét, tại sao Việt Nam thì không làm như vậy thưa ông?
Mỗi một quốc gia có quy định khác nhau, cơ chế xử lý với những cách thức khác nhau. Việc sáp nhập, tập trung kinh tế là việc bình thường của doanh nghiệp. Đến một ngưỡng nhất định mới phải thông báo cho cơ quan quản lý.
Tất nhiên việc thông báo cũng từ sự chủ động của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý cạnh tranh chỉ ra cảnh báo, khuyến nghị, chứ không thể nào mà ép buộc doanh nghiệp.
Khi yêu cầu doanh nghiệp phải thế này phải thế kia thì phải qua điều tra, có số liệu cụ thể chứ không phải mình muốn yêu cầu doanh nghiệp thế nào cũng được.
Về nguyên tắc điều tra thì chúng tôi thu thập trên tất cả các thông tin có thể thu thập được. Bên này bên kia có nhìn nhận này khác nhưng chúng tôi cần có thông tin tổng thể bao quát. Do vậy việc cần làm bây giờ đó là tích cực thu thập số liệu.
Đứng từ góc độ nhà quản lý cạnh tranh, ông đánh giá thế nào về thị trường và sự cạnh tranh sau khi Uber sáp nhập vào Grab?
Giờ chưa có số liệu cụ thể nên chưa biết họ lớn đến đâu, do vậy tôi cũng chưa thể đưa ra nhận định gì.
Tuy nhiên về lý thuyết thì những doanh nghiệp đã lớn mà còn sáp nhập với nhau mà đến một ngưỡng mà quy định luật cạnh tranh cấm thì tất nhiên sẽ tác động nhiều. Về cơ bản nó sẽ hạn chế cạnh tranh.
Còn hạn chế hay tác động cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào hành vi của doanh nghiệp đó như họ có tôn trọng hay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không…
Thời gian vừa qua taxi tuyền thống liên tục lên tiếng cho rằng Grab hay Uber đang dùng chiêu thức “giá huỷ diệt”, cạnh tranh không lành mạnh bằng chiêu thức siêu giảm giá nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Hiện giờ chúng tôi cũng mới bắt đầu thu thập số liệu. Vì chưa có số liệu chính thức nên chưa thể đưa ra nhận định có phải “giá huỷ diệt” hay không. Tuy nhiên có thể nói 2 phương thức khác nhau nên cách tính giá cả, chi phí sẽ có thể khác nhau.
Về lo ngại tăng giá sau khi Uber sáp nhập Grab thì cũng có thể chỉ là dự đoán thôi. Bình thường khi có dấu hiệu vi phạm cạnh tranh thì cơ quan cạnh tranh sẽ vào cuộc. Trong đó yếu tố giá cũng là một trong những yếu tố cần giám sát. Tuy nhiên vấn đề giá thì cũng có luật quy định về giá chứ không chỉ liên quan đến cơ quan quản lý cạnh tranh.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nguyễn Khánh