Phiên toà lần 2 vụ Vinasun kiện Grab: Phán quyết sao cho đúng?

(Dân trí) - Ngày mai (7/3, Tòa Kinh tế - Tòa án Nhân dân TPHCM sẽ tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và Grab Việt Nam với khoản lợi nhuận bị sụt giảm (khoảng 41 tỉ đồng) trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 của Vinasun. Trước đó, phiên toà đã tạm hoãn để hai bên bổ sung hồ sơ liên quan.


Hình ảnh phản cảm tại TPHCM trong năm 2017 khi trên xe của Vinasun dán biểu ngữ phản đối Uber, Grab

Hình ảnh phản cảm tại TPHCM trong năm 2017 khi trên xe của Vinasun dán biểu ngữ phản đối Uber, Grab

Đổ lỗi qua lại

Các nội dung được hai bên tranh luận tại toà trong phiên xử sơ thẩm tập trung vào 3 vấn đề lớn: bản chất hoạt động của Grab Việt Nam; cáo buộc Grab Việt Nam vi phạm pháp luật và cách tính thiệt hại của Vinasun.

Tại phiên xử vào đầu tháng 2/2018, Vinasun cáo buộc Grab là đơn vị kinh doanh vận tải taxi với những lập luận rằng Grab là đơn vị quyết định giá, điều hành xe, tuyển dụng lái xe, quản lý tài xế, thu tiền cước của khách hàng và xuất hoá đơn giá trị gia tăng cho chuyến đi... Vinasun thậm chí còn lấy những lý do như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Grab có ngành nghề kinh doanh vận tải, tên công ty GrabTaxi đồng nghĩa với việc Grab là công ty taxi.

Đáp lại, Grab phản bác rằng đơn vị này đang tuân thủ và thực hiện đúng theo các quy định tại Quyết định 24 của Bộ GTVT với tư cách là nhà cung cấp ứng dụng kết nối, đồng thời khẳng định các lập luận của Vinasun là không hợp lý, vô căn cứ, mang tính suy diễn và làm sai lệch thông tin. Đơn vị này cũng chỉ ra rằng, Quyết định 24 thí điểm xe hợp đồng điện tử hiện đang có 10 đơn vị tham gia, trong đó có cả Vinasun với ứng dụng VCAR.

Trả lời về các cáo buộc vi phạm quy định về khuyến mãi, quy định về thuế, quy định về giao thông vận tải, đại diện Grab Việt Nam khẳng định tại toà rằng các vi bằng, dẫn chứng của Vinasun là không đủ cơ sở. Đặc biệt, đơn vị này khẳng định công ty tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ thuế và đã đóng góp hơn 142 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2017, theo xác nhận của chi cục thuế Quận 10.. Việc này không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của đơn vị này cũng như hàng chục nghìn đối tác đang kinh doanh chân chính mà vô hình chung đã phủ nhận chức năng quản lý thuế cũng như nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế từ trung ương đến địa phương.

Về tính toán thiệt hại, Vinasun đưa ra con số thiệt hại 41 tỷ đồng dựa trên 2 báo cáo khảo sát thị trường của 2 công ty do Vinasun thuê thực hiện, báo cáo kinh doanh của công ty, cũng như dựa trên tính toán số lượng xe của Grab Việt Nam để quy ra thị phần. Phản bác lại, phía Grab lại cho rằng con số thiệt hại do Vinasun đưa ra là không có cơ sở. Thứ nhất, 2 báo cáo khảo sát thị trường do Vinasun thuê thực hiện không khách quan, cũng như không đưa ra được phương pháp nghiên cứu.

Thứ hai, phần lợi nhuận sụt giảm của Vinasun đến từ ngành nghề kinh doanh khác của đơn vị này, trong đó có đầu tư bất động sản, trong khi doanh thu từ mảng kinh doanh vận tải của công ty này vẫn tăng trưởng đều đặn. Cùng với việc cân nhắc một số yếu tố khác như chi phí qua từng năm khác nhau, nhu cầu thực của thị trường, Grab Việt Nam kết luận rằng việc “đổ lỗi” cho Grab Việt Nam về kết quả kinh doanh của Vinasun là hoàn toàn không có cơ sở.

Lợi ích của người tiêu dùng ở đâu?

Ý kiến của một số luật sư xung quanh phiên toà này cũng nhận định rằng, Vinasun đang yếu thế mặc dù là nguyên đơn trong vụ kiện. Cụ thể, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho biết, các chứng cứ của Vinasun “rất mơ hồ”. Cáo buộc của Vinasun cho rằng Grab lợi dụng Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, làm náo loạn thị trường vận tải hay dẫn chứng thiệt hại của Vinasun do Grab Việt Nam gây ra tương ứng khoảng 41 tỷ đồng và yêu cầu Grab Việt Nam bồi thường là những “chứng cứ không có cơ sở”.

Trong khi đó, một yếu tố khác không kém phần quan trọng mà vụ kiện đã “bỏ quên” là lợi ích của người tiêu dùng. Không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ mang lại, đó là những chuyến xe với giá tiền được biết trước, dịch vụ tiện lợi và tiết kiệm. Công nghệ cũng có thể là lời giải đáp cho rất nhiều nhu cầu khác của cuộc sống dựa trên nền tảng ứng dụng.

Hiện nay, tại một số quốc gia khác trong khu vưc, ví dụ như Singapore, nền tảng của Grab đã không còn gói gọn trong lĩnh vực di chuyển mà còn mở rộng ra lĩnh vực thanh toán điện tử, cho phép người dùng thanh toán dịch vụ ăn uống... Những nền tảng công nghệ mở như thế này đang dần mở ra nhiều hành vi tiêu dùng mới thuận tiện hơn, và được sự ủng hộ lớn từ phía chính phủ Singapore.

Tại Việt Nam, trong khuôn khổ APEC 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam rằng trong tầm nhìn thập niên tới, Việt Nam sẽ hướng đến một nền kinh tế năng động dựa trên nền tảng sáng tạo. Trong đó có định hướng tập trung vào việc phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp.

Mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, theo đó Phó thủ tướng đồng ý kéo dài thời gian thí điểm cho đến khi có Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được ban hành và có hiệu lực. Vì vậy, có thể thấy chính phủ đang rất cởi mở trên định hướng thúc đẩy nhanh nền kinh tế kỹ thuật số, ủng hộ những ý tưởng mới về kinh doanh mang lại những lợi ích và hiệu quả thiết thực trong việc tạo ra giá trị mới để mang lại lợi ích cho người dân.

Quay trở về vụ Vinasun kiện Grab, rõ ràng toà án cần đưa ra một phán quyết hợp lý cân nhắc thêm đến cả yếu tố quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là đừng nên đi ngược lại nỗ lực xây dựng nhà nước kiến tạo mà Chính phủ đang hướng tới.

H.Anh

Phiên toà lần 2 vụ Vinasun kiện Grab: Phán quyết sao cho đúng? - 2