Phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế nhờ "điểm đặc biệt"

Quốc Anh

(Dân trí) - Sự trỗi dậy của khu vực châu Á là chất xúc tác quan trọng cho các hoạt động tài chính, nhất là cơ hội cho Việt Nam khi được đánh giá là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong các nền kinh tế mới nổi.

Sự trỗi dậy của châu Á

UBND TPHCM vừa kiến nghị Chính phủ ủng hộ chủ trương xem mục tiêu "Phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM" là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quốc gia và đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, bổ sung nội dung này vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trong đó, TPHCM nhấn mạnh bối cảnh định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam, trong đó có sự hình thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM.

Phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế nhờ điểm đặc biệt - 1

UBND TPHCM vừa kiến nghị Chính phủ ủng hộ chủ trương xem mục tiêu "Phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM" (ảnh: Phạm Nguyễn)

UBND TPHCM viện dẫn nhận định của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) khi xem xét các xu hướng toàn cầu quan trọng trong tương lai: kỷ nguyên châu Á sẽ bắt đầu năm 2020, châu Á sẽ giữ vai trò là khu vực có đóng góp nhiều hơn phần còn lại của thế giới trong phát triển kinh tế toàn cầu.

Ngày càng có nhiều hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại diễn ra tại khu vực, dẫn đến xuất hiện nhiều nhu cầu và hoạt động tài chính, kéo theo sự dịch chuyển và hình thành các trung tâm tài chính lớn của khu vực và thế giới.

Sự trỗi dậy của khu vực châu Á hiện nay là chất xúc tác quan trọng cho các hoạt động tài chính, nhất là cơ hội cho Việt Nam khi được đánh giá là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam có bước cải thiện vượt bậc năm 2019 (tăng 10 bậc theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF). 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm quốc gia dẫn đầu thế giới, độ mở của nền kinh tế vào nhóm cao nhất trong các nền kinh tế (khoảng 200%), cùng hợp tác giao thương rộng mở với các nền kinh tế thế giới qua việc ký kết 16 FTA (hiệp định thương mại tự do). 

Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định cũng là điều kiện không thể thiếu để các trung tâm tài chính hình thành và phát triển. 

Trong khi đó, TPHCM đang đóng góp 22,3% GDP, chiếm 26,6% ngân sách quốc gia, thu hút 33,8% số dự án FDI của cả nước. Đây cũng là nơi ra đời thị trường chứng khoán của Việt Nam và hạ tầng tài chính của Thành phố vẫn còn nhiều tiềm năng rất lớn với hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trung gian, các quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty chứng khoán...

Theo UBND TPHCM, với các xu hướng toàn cầu đang diễn ra và cục diện chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu có nhiều thay đổi. Sự kiện Brexit sẽ có tác động không nhỏ đến vị trí của trung tâm tài chính London vốn đã có lịch sử phát triển hàng thế kỷ.

Những diễn biến tại Hồng Kông có thể làm lung lay vị thế của trung tâm tài chính quốc tế tại đây.

Các thách thức trên sẽ tạo ra cơ hội cho nhiều nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, để đón đầu các nguồn lực dịch chuyển từ các trung tâm này. 

"Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang đứng trước cơ hội có một không hai để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Trung tâm tài chính quan trọng của quốc gia, khu vực và thế giới", UBND TPHCM nhận định.

TPHCM có điểm đặc biệt

Cũng theo UBND TPHCM, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển các trung tâm tài chính.

Việt Nam ở múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế "riêng có và đặc biệt" trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này. 

Phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế nhờ điểm đặc biệt - 2

TPHCM chỉ cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines... (ảnh: Phạm Nguyễn)

Tính riêng hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng trên địa bàn Thành phố là 2.138 đơn vị, với tổng vốn huy động chiếm hơn 24% tổng vốn huy động cả nước vào năm 2019. Tổng dư nợ cho vay ở TPHCM cũng chiếm tới 28,05% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.

Trên thị trường vốn, tổng giá trị vốn hóa tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM chiếm 95% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và 54,33% GDP cả nước năm 2019. 

Trên sàn HoSE có 382 công ty niêm yết, so với 365 công ty niêm yết trên sàn Hà Nội (HNX). Mặc dù số công ty niêm yết không chênh lệch quá lớn nhưng quy mô vốn hóa của các công ty niêm yết trên sàn HoSE lên đến hơn 3,2 triệu tỷ đồng, trong khi sàn HNX chỉ hơn 192.000 tỷ đồng.

"Điều này cho thấy, nhu cầu hoạt động tài chính ở khu vực TPHCM là rất lớn, là điều kiện tốt để hình thành và phát triển một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai", UBND TPHCM nhấn mạnh.