Phát triển thương hiệu Cốm Nua lếch kèm du lịch, làm giàu cho người dân ở Bắc Kạn
(Dân trí) - Tháng 8 - 9 âm lịch, cánh đồng đang vụ cốm, lúa nếp thơm hương thoảng khắp nơi mời gọi du khách. Đến với xã Thượng Ân, Cốc Đán, Thượng Quan (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) hương cốm đã tỏa hương thơm trên khắp cánh đồng, bản làng.
Những năm qua thương hiệu Cốm Nua lếch Ngân Sơn đã được khách trong và ngoài tỉnh biết đến đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây. Để rồi khi những cơn gió thu se lạnh mới bắt đầu, khách gần, khách xa lại nhớ về thứ quà xanh gói trong lá chuối giản dị, đơn sơ đến từ vùng đất Thượng Ân.
Lễ hội giã cốm hàng năm là một trong những dịp để bà người dân Ngân Sơn giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực, quảng bá sản phẩm cốm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch của địa phương.
Tên Nua lếch là giống lúa nếp đặc biệt thơm, dẻo, thân lúa cao hơn các loại nếp thường. Nếp Nua lếch được trồng nhiều ở các xã Thượng Ân, Cốc Đán, Thuần Mang của huyện Ngân sơn và cũng chỉ có nơi đây nếp Nua lếch mới ra được sản phẩm cốm có hương vị đặc biệt thơm ngon.
Làm cốm là nghề truyền thống của người dân xã Thượng Ân, cùng với đôi bàn tay khéo léo của người dân, thiên nhiên đã ban tặng cho gạo nếp Nua lếch được nơi đây có được hương thơm thật đặc biết để tạo thành sản phẩm cốm Nua lếch dẻo thơm mà không nơi nào có được.
Trước đây, cốm chỉ làm người trong nhà vào những dịp đầu mùa lúa, mỗi gia đình chỉ làm 1-2 mẻ để thưởng thức hương thơm ngọt của lúa nếp đầu vụ. Khách phương xa ghé thăm đều được chủ nhà mời thưởng thức cốm ấm nóng và trò chuyện thâu đêm theo nhịp chày. Những đêm giã cốm, cả bản gọi nhau đổi công, mời khách về thưởng thức, giã cốm cũng trở thành lý do để những đôi trai gái bản gần, bản xa gặp nhau trò chuyện, nên duyên.
Theo thời gian, nền kinh tế thị trường phát triển các sản phẩm nông nghiệp dần trở thành hàng hóa có thể mang lại thu nhập cao người nông dân. Sản phẩm cốm Nua lếch được nhiều người tìm mua và trở thành mặt hàng đem giá trị kinh tế cao. Hoạt động này cũng góp phần thực hiện có hiệu quả Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; trong đó hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Nắm bắt xu hướng đó, bà con xã Thượng Ân, đã mở rộng diện tích trồng lúa nếp đặc sản Khẩu Nua Lếch để làm cốm.
Tiếng lành đồn xa, cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, mạng xã hội nên bây giờ những người dân làm cốm ở Thượng Ân không chỉ cặm cụi làm cốm bán ở chợ phiên hoặc chờ người tìm đến mua như trước nữa, nhờ biết tận dụng các phương tiện thông tin như zalo, facebook… mà cốm Nua Nua lếch Thượng Ân đã đến tay khách hàng trong và ngoài tỉnh, thậm chí tận Miền Nam cũng có người đặt hàng.
Do vậy, muốn cốm giữ được hương vị lâu, bà con nơi đây đã bật mí rằng, cốm Nua lếch được gói bằng lá chuối bóng mềm có nhiều ở vùng này sẽ giữ được hương thơm lâu hơn, cốm cũng mềm hơn. Bây giờ thêm công nghệ hút chân không nên cốm giữ được lâu hơn nên không phải lo cốm mất hương vị.
Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của người dân muốn để cốm lâu mà không bị cứng thì để ngăn đá tủ lạnh. Để như vậy dù có mấy ngày, khi mang ra, gặp không khí cốm lại mềm như mới làm. Như vậy, nếu khách hàng ở xa muốn mua số lượng nhiều để ăn dần có thể dùng phương pháp này để bảo quản cốm được lâu hơn.
Hằng ngày, khi những mẻ cốm còn ấm nóng lên xe chở đi khắp nơi mang theo những niềm vui của thành quả bù lại những vất vả của người nông dân. Mỗi vụ cốm đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ, với giá thành từ 100.000 - 120.000/kg mua tại chỗ, mỗi gia đình trung bình 1 ngày làm được khoảng 15-20 kg cốm, đây là con số lớn đối với thu nhập của người dân vùng núi.
Tuy vậy, mùa cốm chỉ kéo dài khoảng 1 tháng, diện tích trồng lúa nếp Nua lếch ở xã Thượng Ân cũng không lớn nên thu nhập từ cốm chưa phải là nguồn chính của bà con nơi đây.
Như gia đình anh Nông Ngọc Mạnh, thôn Bản Duồm B, mỗi mùa luôn gieo cấy hơn 2.000m2 lúa Khẩu Nua Lếch để làm Cốm. Anh Mạnh chia sẻ, vụ năm nay chỉ riêng gia đình anh thu nhập khoảng 30 triệu từ làm cốm, trong xã Thượng Ân và các xã lân cận nhiều nhà còn trồng diệc tích lớn hơn.
Tất cả đều tận dụng thời gian ngắn của vụ cốm để tăng thêm thu nhập vì chỉ khoảng 1 tháng lúa già là hết mùa cốm. Nếu không làm cốm mà để lúa nếp tuốt thóc bán thì thu nhập khoảng 18 đến 20 triệu đồng.
Về Thượng Ân vào mùa cốm, tiếng giã cốm vang khắp các nhà, hương thơm dịu của cốm được những cơn gió mùa thu nhẹ nhàng như chào mời du khách từ xa. Mỗi một mẻ cốm được làm xong là cả một quá trình làm việc không ngơi nghỉ.
Để có được những gói cốm thơm phức đến tay khách hàng là cả một hành trình dậy từ sáng hái từng bông lúa nếp còn đọng sương sớm mang về để chế biến ngay trong ngày, anh Mạnh cho biết, để làm ra được mẻ cốm thơm ngon, sau khi hái những bông lúa nếp non về bà con phải chế biến luôn, bởi nếu để qua đêm sẽ mất đi hương thơm và độ dẻo của cốm.
Sau khi sàng sảy lấy những hạt lúa chắc là các công đoạn luộc, rang rồi cho vào cối giã đều. Tiếp đó lại tiếp tục sàng sảy cho hết cám và vỏ trấu. Công đoạn giã và sàng sảy cứ lặp lại vài lần cho đến khi bong hết vỏ trấu bên ngoài sẽ được thành phẩm là những hạt cốm xanh, thơm, dẻo.
Bên cạnh đó, không chỉ có sản phẩm cốm Nua lếch, bà con xã Thượng Ân Thượng còn dùng cốm để làm bánh chưng, làm chả cốm, bánh cốm, chè cốm, xôi… đều có hương vị thơm ngon rất đặc biệt nên được nhiều khách hàng đánh giá rất cao. Đây cũng là hình thức đa dạng hóa sản phẩm, thêm lựa chọn cho khách hàng.
Mùa cốm Thượng Ân, tất bật những chuyến xe chở hương thơm Nua lếch đi khắp các miền. Đêm đến những nhịp chày vang khắp nơi, nhà nào cũng thơm mùi cốm, khách đến đầu thôn đã ngửi được hương thơm nhẹ của cánh đồng lúa, đến từng nhà hương thơm của những mẻ cốm lại đậm đà như muốn níu chân khách ở lại.
Triệu Hoàng Giang