Phát triển giá trị gia tăng cho ngành hàng mì ăn liền
(Dân trí) - Năm 2022, Việt Nam đứng đầu thế giới về mức tiêu thụ mì ăn liền bình quân đầu người. Theo thống kê của WINA, mỗi người Việt ăn khoảng 85 gói mì/người/năm, tương ứng với tần suất 4 ngày ăn một gói.
Được phát minh tại Nhật Bản, với đặc tính hội tụ các yếu tố như tiện lợi, đa dạng hương vị, giá cả phù hợp, kể từ khi ra mắt, mì ăn liền đã nhanh chóng trở thành món ăn phổ biến trên toàn cầu, với hơn 100 tỷ gói mì được tiêu thụ mỗi năm.
Tại Việt Nam, mì gói là một trong những thực phẩm tiêu dùng nhanh được ưa chuộng nhất. Từ cửa hàng bách hóa trong hẻm nhỏ đến chợ, siêu thị..., sản phẩm này được bày bán rộng rãi với hàng trăm chủng loại, giá cả khác nhau từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng/gói.
Năm 2022, Việt Nam xếp thứ ba thế giới về tổng lượng tiêu thụ mì ăn liền với 8,48 tỷ gói mì/năm (theo thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới - WINA tháng 5/2023). Trước năm 2020, chỉ số này dao động ở mức 4,5 - 5 tỷ gói/năm. Việc phần lớn người tiêu dùng chuyển sang các bữa ăn tự nấu và dự trữ thực phẩm khô trong giai đoạn giãn cách xã hội của dịch Covid-19 đã thúc đẩy thị trường mì ăn liền trong hai năm gần đây tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo tính toán của Acecook, với gần 8,5 triệu gói mì, quy mô thị trường hiện ước tính khoảng 37.400 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,5 tỷ USD).
Tiêu thụ nhiều nhưng trong suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng, giá trị sử dụng của mì ăn liền vẫn còn rất thấp. Nhiều người chỉ ăn mì gói khi không còn sự lựa chọn, thậm chí món ăn này còn thường xuyên bị gán với hình ảnh "nghèo", "kém dinh dưỡng", "gây ảnh hưởng sức khỏe"…
Với mức giá tiết kiệm, mì ăn liền luôn là lựa chọn hàng đầu của giới lao động, người có thu nhập thấp, có lẽ vì thế mà khi nhắc đến mì ăn liền người ta thường liên tưởng đến hoàn cảnh khó khăn, nghèo nàn. Ít người biết rằng, một gói mì có giá tiền khiêm tốn vài nghìn đồng là nhờ sự tân tiến của khoa học kỹ thuật. Khi mới ra đời, mì ăn liền được xem là xa xỉ phẩm, nhưng khi nó được phổ biến khắp nơi, càng nhiều người sử dụng, nhà sản xuất phải nghĩ cách để nâng cao sản lượng, gia tăng công suất. Việc sản xuất với số lượng lớn đã chia nhỏ các định phí, dẫn đến giảm giá thành, đó chính là lý do vì sao mì ăn liền lại rẻ.
Theo ông Kaneda Hiroki - Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam - đơn vị đang sở hữu 11 nhà máy sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam cho hay, các dây chuyền của doanh nghiệp có thể sản xuất được lên đến 600 gói mì/phút, nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại mà tất cả sản phẩm đều giữ được tính đồng nhất và ổn định chất lượng. Bên cạnh đó, với việc sở hữu 11 nhà máy ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam đã giúp công ty tối ưu hóa được chi phí vận chuyển, cân bằng hệ thống phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Đối mặt với thử thách định kiến sai lệch về mì ăn, Acecook Việt Nam đã kiên trì trong việc truyền thông các thông tin chính xác về mì ăn liền, về các sản phẩm của Acecook được sản xuất bằng nguyên liệu an toàn, hướng dẫn khách hàng các công thức chế biến mì ăn liền cân bằng dinh dưỡng… Mỗi năm doanh nghiệp này đã tổ chức tiếp đón khoảng 10.000 khách đến tham quan nhà máy. Thông qua hoạt động này, người tiêu dùng được trực tiếp quan sát quy trình sản xuất, được hướng dẫn cách sử dụng mì đúng đắn, cũng như an tâm về chất lượng sản phẩm.
Để thưởng thức một tô mì ngon chỉ mất 3 phút chế biến nhưng để một sản phẩm mì ăn liền hoàn chỉnh được xuất xưởng lại là cả một quy trình đầu tư từ thiết bị, nhà máy đến con người. Tại Acecook Việt Nam, các nhà máy đều có giá trị hàng triệu USD và được trang bị công nghệ tiên tiến, chuyển giao kỹ thuật từ Nhật Bản, đồng thời có gần 6.000 cán bộ công nhân viên tham gia trực tiếp và gián tiếp trong quy trình tạo ra một sản phẩm chất lượng.
Ngoài việc được yêu thích ở mọi nơi, mọi độ tuổi, mọi giới tính, mì ăn liền còn thường được coi là thực phẩm dự trữ của nhiều quốc gia nhờ tính chất bảo quản lâu trong thời gian dài. Mặt hàng này luôn có mặt tại trong cách chương trình cứu trợ ở những vùng thiên tai dịch họa như động đất, núi lửa, bão lũ… Gần đây nhất, dưới tác động của dịch bệnh kể cả trong giai đoạn phục hồi, vai trò của loại thực phẩm này lại càng trở nên quan trọng.
Ông Kaneda Hiroki cho rằng góp phần ổn định nguồn lương thực thế giới là giá trị cao nhất mà mì ăn liền mang đến cho xã hội. Trên thực tế, thị trường khó có thể tìm được một loại thực phẩm đa chức năng, đa phục vụ (ai cũng có thể sử dụng) như mì ăn liền, vì thế, cần hiểu đúng và dành nhiều sự trân trọng hơn cho thực phẩm này.
"Để nâng cao vị thế của mì ăn liền và phát triển thêm những giá trị gia tăng cho ngành hàng, Acecook Việt Nam đang không ngừng cải tiến lợi ích sản phẩm như bổ sung thêm khoai tây, đậu hòa lan, khoáng chất (canxi cho mì dành cho trẻ em) trong sản phẩm, phát triển thêm các loại hình sản phẩm mới như mì không chiên, sản phẩm ăn liền từ gạo… Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động truyền thông để đưa mì ăn liền về đúng hình ảnh đẹp và ý nghĩa vốn có của nó từ khi ra đời", ông Kaneda Hiroki chia sẻ.