Phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô: Vẫn loay hoay tìm lối thoát

Đại diện một số hiệp hội và chuyên gia về ô tô cho rằng, đầu tư cho sản xuất phụ tùng, linh kiện ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô đòi hỏi vốn lớn, doanh nghiệp Việt lại bị thua thiệt.

Vì vậy, nếu chính sách thuế không ổn định lâu dài DN không thể xây dựng được chiến lược phát triển dài hạn mà chỉ dám đầu tư kiểu “ăn xổi”.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô: Vẫn loay hoay tìm lối thoát - 1

Lắp ráp ô tô tại nhà máy Vinfast (Ảnh: Như Ý - Tiền Phong)

Chính sách cần ổn định

Theo ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), câu chuyện phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô ở Việt Nam như chuyện “con gà, quả trứng”.  

Nguyên nhân được ông lý giải là với công nghiệp ô tô, một trong những vấn đề Chính phủ cần xác định rõ là: Có khuyến khích người dân sử dụng ô tô cá nhân không? Bởi theo ông, thực tế nhu cầu mua sắm xe cá nhân đang và sẽ tăng nhanh hơn xe khách, xe tải, xe chuyên dụng… và đây là thị trường quan trọng cho công nghiệp ô tô.

“VASI cho rằng, cần nhìn nhận đây là xu hướng tất yếu đối với một quốc gia 100 triệu dân, kinh tế tăng trưởng ổn định người trẻ chiếm tỷ lệ cao. Nếu Chính phủ xác định như vậy thì sẽ định hướng cho các bộ, ngành trong việc xây dựng, ban hành các chính sách về hạ tầng giao thông, huy động vốn, thuế phí, môi trường… theo hướng đồng bộ hơn”, ông Quang chia sẻ.

Theo Chủ tịch VASI, điểm yếu cố hữu của việc xây dựng, ban hành chính sách ở ta nói chung là thiếu tầm nhìn, không dự báo được những biến động của thực tiễn nên nhiều chính sách mang nặng tính chất chạy theo để xử lý thực tế, thiếu tính ổn định, thiếu đồng bộ và không hiếm khi thiếu rõ ràng. Chính sách thuế trong công nghiệp ô tô, phụ tùng gần 3 thập niên qua cũng không tránh được điểm yếu đó.

Ông Quang đánh giá, thuế là công cụ quan trọng nhất để thúc đẩy ngành ô tô phát triển. Do đó, chính sách thuế với công nghiệp ô tô cần có có tính ổn định lâu dài, khuyến khích sản xuất trong nước, tận dụng triệt để mọi cơ hội cắt giảm thuế theo các cam kết quốc tế.

Không tận dụng tốt sẽ chỉ dừng lại ở lắp ráp

Theo bà Nguyễn Thu Trang, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), những năm gần đây, thị trường ô tô nói chung và đặc biệt là phân khúc xe du lịch nói riêng đang có sự tăng trưởng vượt bậc. Điều này tương ứng với giai đoạn ô tô hóa đang cận kề khi GDP bình quân đầu người tăng nhanh và nhu cầu sở hữu, chuyển đổi từ xe máy sang ô tô ngày càng lớn.

Dự báo tới 2025, thị trường ô tô tại Việt Nam sẽ nhanh chóng tiệm cận với con số 1 triệu xe bán ra/năm. Theo bà Trang, đây chính là cơ hội để các DN phát triển công nghiệp phụ trợ và ngược lại, nếu không tận dụng tốt cơ hội này thì công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục đi sau các nước trong khu vực và chỉ dừng lại ở lắp ráp hoặc sản xuất quy mô nhỏ lẻ.

Theo bà Trang, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, trong đó đã bổ sung Chương trình ưu đãi thuế đối với ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô tại Điều 7b (nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%) trong thời hạn  từ 2020 đến 2024. Mục đích là tháo gỡ các điểm nghẽn ngành này, phát huy điểm mạnh hiện có của các doanh nghiệp CNHT, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hoá trong nước.

Ông Ninh Hữu Chấn, Tổng Thư ký VAMA chỉ ra một thực tế hiện nay các nhà sản xuất ô tô trong nước đã có chuỗi cung ứng ổn định, giá tốt, song các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng khó chen chân vào các chuỗi cung ứng này nên họ không mặn mà đầu tư. Vì vậy, cần tạo cơ hội cho những DN này có cơ hội gặp gỡ, tìm giải pháp hợp tác liên kết.

Cho rằng có một số loại vật tư, nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được, thậm chí sẽ không bao giờ sản xuất được do tính chuyên môn hóa cao trong ngành công nghiệp thế giới, ví dụ vòng bi, 1 số loại linh kiện điện tử… Vì vậy, chủ tịch VASI Lê Dương Quang đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu bổ sung các loại này được hưởng thuế nhập khẩu 0% hoặc ở mức rất thấp (tượng trưng) trong thời gian lâu dài. Đồng thời, bổ sung đối tượng được hưởng thuế suất 0% theo Nghị định 57 đối với các DN sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô, sản xuất phụ tùng, linh kiện xuất khẩu.   

Theo báo cáo của VASI, hiện có 3 DN lớn được kỳ vọng sẽ là đầu tàu cho phát triển ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, Thaco hiện có 14-15 DN hỗ trợ, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, Thaco đã có nhiều sản phẩm nguyên chiếc, linh kiện phụ tùng xuất khẩu sang các nước trong khu vực. 

Với việc đầu tư nhà máy quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam (250.000 xe/năm), VinFast cũng kịp tung ra các mẫu xe chiến lược của mình để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Hiện nay, VinFast đã dành 30% đất cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Một DN khác là TC Motor cũng đã đầu tư mở rộng nhà máy thứ 2 tại Ninh Bình và khu công nghiệp phụ trợ ở Quảng Ninh.