Phát triển bền vững: Sự sống còn của doanh nghiệp

(Dân trí) - Thời gian gần đây, sự chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp thuộc khối ngành công nghiệp nhẹ, được xem là có sự liên quan mật thiết đến vấn đề môi trường – điểm mấu chốt trong mục tiêu phát triển bền vững.

Khi câu chuyện phát triển bền vững (PTBV) một lần nữa được hâm nóng trong “Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019” mới đây, Ông Patrick Chung – Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đã chia sẻ quan điểm của doanh nghiệp trong cuộc.

PTBV là vấn đề được đề cập rất nhiều trong các chương trình phát triển quốc gia, đặc biệt là trong Hội nghị toàn quốc về PTBV vừa qua. Vậy, đâu là yếu tố “gây khó” cho doanh nghiệp khi theo đuổi mục tiêu PTBV?

Đứng ở góc độ một doanh nghiệp, tôi có thể hiểu được phần nào cái khó khi theo đuổi mục tiêu PTBV. Trong đó, sự hạn chế về nguồn vốn, trình độ công nghệ, tầm nhìn, sự quyết tâm của doanh nghiệp mang tính chi phối.

Khi PTBV, doanh nghiệp phải đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực vào các mục tiêu phi tài chính liên quan đến môi trường và xã hội. Điều này hiển nhiên phần nào đòi hỏi mức độ đầu tư nhất định của doanh nghiệp. Nếu phải cân đong quá nhiều vấn đề lợi nhuận – tăng trưởng thay vì hướng đến sự phát triển lâu bền, doanh nghiệp khó lòng theo đuổi mục tiêu PTBV đúng nghĩa.

Phát triển bền vững: Sự sống còn của doanh nghiệp - 1
Ông Patrick Chung cho biết: “Nếu phải cân đong quá nhiều vấn đề lợi nhuận – tăng trưởng thay vì hướng đến sự phát triển lâu bền, doanh nghiệp khó lòng theo đuổi mục tiêu PTBV đúng nghĩa.”

Lee & Man từng đứng trước thách thức về môi trường trong những ngày đầu vận hành nhà máy tại Hậu Giang. Và dù nỗ lực và được vinh danh Doanh nghiệp PTBV nhưng việc đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải của Lee & Man có ổn định?

Phải khẳng định rằng đó là bài học lớn giúp chúng tôi tự điều chỉnh, xem xét và cẩn trọng trong khâu sản xuất, xử lý chất thải... Do đó, mỗi năm, công ty quyết định tập trung đầu tư nhiều hơn cho công tác xử lý các loại chất thải.

Cụ thể, trong năm 2018, Lee & Man đã chi trả gần 7 tỷ đồng chỉ cho riêng hạng mục khử mùi ở nhà máy xử lý nước thải, hơn 25 tỷ đồng dành cho trang thiết bị hiện đại của nhà máy. Trong năm nay, tiếp tục nhập một đợt máy mới trị giá khoảng 20 tỷ đồng và chi phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải hơn 6,7 tỷ đồng.

Với kinh phí đó, Lee & Man đã đầu tư vào công nghệ xử lý nước thải, khí thải tiên tiến với hệ thống quan trắc hoạt động 24/24. Các số liệu liên tục được cập nhật (trung bình 5 phút 1 lần) và được truyền trực tiếp về Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang để quản lý nên chất lượng nước thải, khí thải luôn được kiểm soát trước khi đưa ra ngoài môi trường. Các thông số quan trắc đều cho thấy nước thải, khí thải của Công ty luôn đảm bảo trong quy định theo cột A tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hiện công trình xử lý nước thải nội khu được đảm bảo bằng quy trình xử lý 4 bước. Ngoài ra trong khuôn viên rộng hơn 82 ha, bên cạnh khu vực sản xuất còn có hồ sinh thái dung tích 42,000 mét khối chứa nước thải đã qua xử lý. Nước hồ trong xanh không chỉ tạo bầu không khí mát lành quanh hồ mà còn phù hợp để nuôi thả cá.

Phát triển bền vững: Sự sống còn của doanh nghiệp - 2
Phương thức sản xuất tận dụng nguồn giấy phế liệu được công ty Lee & Man áp dụng

Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục cải tiến công nghệ xử lý mùi, gia cố hệ thống tường rào cho quy trình xử lý nước thải để xây dựng một nhà máy kiên cố và hiện đại hơn, đặc biệt đảm bảo mùi hôi không phát sinh ra môi trường.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thành lập một đội giám sát đi vòng quanh nhà máy mỗi ngày với các dụng cụ kiểm tra để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn.

Hơn nữa, trong quá trình xử lý nước thải, chúng tôi thu gom khí sinh học và chuyển đến nhà máy điện làm nhiên liệu, đồng thời cũng thu thập nhiên liệu sinh khối (trầm tích) và chuyển trở lại nhà máy sản xuất làm thành chất trám. Chúng tôi liên tục thử nghiệm và thay đổi vật liệu nhằm tìm kiếm giải pháp tốt nhất trong việc xử lý tiếng ồn, mùi và đảm bảo chất lượng nước thải hợp quy.

Phát triển bền vững: Sự sống còn của doanh nghiệp - 3
Hệ thống che chắn khu vực xử lý nước thải của nhà máy được gia cố để đảm bảo mùi hôi không phát sinh ra môi trường

Theo đuổi mục tiêu PTBV, doanh nghiệp phải đầu tư khá nhiều, có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận. Vậy bản thân doanh nghiệp sẽ được lợi gì về lâu dài?

Theo tôi, doanh nghiệp không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn có trách nhiệm tạo ra giá trị. Giá trị đó là gì? Là tiết kiệm năng lượng, là bảo vệ môi trường, là quan tâm đến cộng đồng… PTBV là con đường đúng đắn để tạo ra các giá trị đó.

Còn gì quan trọng hơn sự bền vững của môi trường, sự ủng hộ của cộng đồng, sự tồn tại lâu bền của doanh nghiệp? Những lợi ích đó tuy không thể cân đong đo đếm bằng con số nhưng thật sự rất quý giá.

Đó cũng là lý do Lee & Man không ngại đầu tư công sức, tiền bạc và dành nhiều tâm huyết để theo đuổi định hướng PTBV và xem đó là sự sống còn của doanh nghiệp, không chỉ đơn giản là lời nói suông.

Phát triển bền vững: Sự sống còn của doanh nghiệp - 4
Theo ông Patrick Chung, PTBV được xem là con đường đúng đắn giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị cho môi trường, cho xã hội và nền kinh tế