Phát lộc nhờ... nước lũ
Khi con nước bắt đầu tràn về thượng nguồn, thì các làng nghề ăn theo mùa lũ ở ĐBSCL lại hối hả sản xuất hàng hóa phục vụ cuộc mưu sinh của cư dân vùng nước nổi.
Người dân miền Tây năm nay không chỉ đón lũ sớm, mà còn đón một mùa lũ đẹp với nhiều hy vọng bội thu.
Lưới cá, lưỡi câu vào mùa
Từ cuối tháng 7, các làng nghề sản xuất phương tiện, dụng cụ khai thác các sản vật mùa nước nổi ở ĐBSCL bắt đầu vô vụ sản xuất.
Làng nghề lưỡi câu Mương Thi, thuộc khu vực vùng ven thành phố Long Xuyên (An Giang) vang danh khắp ĐBSCL và nước bạn Cumpuchia, Lào mấy chục năm qua về chất lượng. Làng nghề kéo dài gần 1km, nằm nép mình bên dòng kênh Long Xuyên - Núi Sập. Trẻ em hay người già đều có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất lưỡi câu bằng các thao tác hết sức chuyên nghiệp.
Ông Trần Thiện Tam, Hội trưởng làng nghề lưỡi câu Mương Thi, cho biết, làng nghề có 186 hộ chuyên sản xuất lưỡi câu theo hình thức cha truyền con nối, hoạt động gần như suốt năm, nhưng chính vụ làm ăn là mùa lũ. Thị trường tiêu thụ của làng nghề này vươn khắp ĐBSCL và có đơn đặt hàng từ vùng đầu nguồn lũ như Campuchia, Lào. Bình quân một hộ gia đình với 2 người làm, vào mùa lũ mỗi tháng có thể cho ra lò 25.000 lưỡi. Những khi có đơn hàng các hộ sản xuất lưỡi câu phải thuê thêm cả chục nhân công mới kịp thời gian giao hàng.
Nếu như An Giang có làng nghề lưỡi câu thì tại thành phố Cần Thơ có làng lưới Thơm Rơm cũng nổi tiếng không kém. Làng lưới Thơm Rơm nằm dọc QL91 thuộc phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, hình thành từ năm 1976. Ông Hồ Khắc Quý Thắng, Chủ tiệm sản xuất lưới Quý, cho biết, vào mùa sản xuất lớn nhất trong năm, cơ sở thuê 16 lao động sản xuất đủ các loại lưới phục vụ bắt cá trong mùa lũ, từ đơn đặc hàng sỉ ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… đến bán lẻ cho dân địa phương. Năm nay lũ về sớm và nhiều, nên phải thuê thêm nhân công sản xuất phục vụ bà con vùng lũ.
Tại các làng ghề sản xuất lú, lờ, lọp, vó, bẫy chuột… ở Thanh Bình, Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp), Tân Châu, An Phú, Chợ Mới (An Giang) cũng đang bước vào mùa làm ăn với nhiều hy vọng từ lũ.
Lũ “đẹp” đang về
Do ảnh hưởng của mực nước thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường biển Đông, biển Tây nên trong những ngày qua mực nước lũ đầu nguồn Sông Cửu Long liên tục lên nhanh từ 7 - 12 cm một ngày. Hiện mực nước lũ đầu nguồn đã vượt báo động 1. Dự báo trong vài ngày tới, lũ tiếp tục lên nhanh từ 10 - 12cm. Các nhà chuyên môn cũng như nhiều nông dân vùng lũ cùng nhận định, năm nay ĐBSCL thật sự có một mùa lũ “đẹp”.
Theo ông Võ Thạnh, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn An Giang, mực nước lũ năm nay cao hơn trung bình nhiều năm. Dự báo vào giữa cuối tháng 10, đỉnh lũ ở ĐBSCL sẽ xấp xỉ báo động 3 (4,5m).
Thực tế nhiều năm cho thấy, khi mực nước thượng nguồn tại Kratie (Lào) đạt mức hơn 20m (hiện nay là 21,79m) thì đỉnh lũ ở ĐBSCL sẽ đạt 4m trở lên. Có thể nói đây là mùa lũ rất đẹp, đem lại lượng nước đủ lớn cho cuộc sống, để vệ sinh đồng ruộng, mang phù sa, nhiều sản vật cũng như thuận lợi cho việc sinh kế mùa lũ của người dân trong vùng.
Ông Trần Ngọc Tân (xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) phần khởi, nước lũ năm nay tốt, cá về rất nhiều. Giàn đáy trên sông của ông mỗi ngày thu được 150 - 200 kg cá linh non, hơn gấp đôi so với nhiều năm trước. Thương lái ra tận nơi thu mua với giá từ 25.000 - 30.000 đồng một kg, mỗi ngày gia đình ông có thu nhập từ 500.000 - 600.000 đồng.
Tại xã biên giới Khánh An, huyện An Phú, An Giang, 8 chành vựa ốc đang làm ăn tấp nập, thu hút 50 lao động địa phương với thu nhập mỗi ngày 100.000 -150.000 đồng một người. Hàng ngày nơi đây cung ứng cho thị trường Cần Thơ, TP HCM và Hà Nội hơn 30 tấn ốc bưu khai thác từ vùng lũ, gấp 2 lần so với mùa lũ năm rồi.
Còn ngành nông nghiệp huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết, mùa nước nổi năm nay, toàn huyện phấn đấu mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên trên 222 ha, 40 lồng bè nuôi cá. Hơn 1.000 hộ dân đã chuẩn bị bồn lót bạt nylon để thả nuôi lươn ngay cạnh nhà, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong mùa lũ để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, diện tích nuôi cá ao hầm sẽ được mở rộng lên 120ha do dự báo lũ lớn, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào.