Phát hiện nhiều lô khẩu trang số lượng "khủng" không rõ nguồn gốc

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Cơ quan quản lý thị trường liên tục thu giữ nhiều lô khẩu trang không có nhãn mác, không có hóa đơn chứng minh tính hợp pháp, nguồn gốc xuất xứ trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Phát hiện nhiều lô khẩu trang số lượng khủng không rõ nguồn gốc  - 1

Hà Nội phát hiện, tạm giữ gần 800.000 chiếc khẩu trang không hóa đơn, chứng từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Cục quản lý thị trường Hà Nội vừa phối hợp cùng Công an quận Hà Đông tiến hành khám phương tiện ô tô biển kiểm soát 24N-39xx và điểm tập kết địa chỉ số 9-11, phố Ngô Thì Sỹ, khối Đoàn Kết, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

Chủ lô hàng là ông Dương Văn Cường có địa chỉ trú tại tổ 6, phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội thuê chở hàng, đang xuống hàng tại điểm tập kết trên.

Kết quả khám phương tiện hàng hóa, Đoàn kiểm tra phát hiện 60 thùng khẩu trang không có nhãn mác (2.400 chiếc/thùng), 78 thùng khẩu trang có nhãn hiệu Green Life Face Mask (2.400 chiếc/thùng).

Tổng số 138 thùng khẩu trang tương đương 331.200 chiếc khẩu trang, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định. Ông Dương Văn Cường thừa nhận số hàng hóa trên là của mình.

Cùng thời điểm kiểm tra điểm tập kết hàng hóa do ông Dương Văn Cường làm chủ, Đoàn kiểm tra phát hiện 2 người đang thực hiện việc san khẩu trang từ các thùng khẩu trang không có nhãn mác để đóng vào các hộp khẩu trang mang nhãn hiệu Viva Face Mask.

Bên cạnh đó còn có 74 thùng khẩu trang không có nhãn mác (2.400 chiếc/thùng), 83 thùng khẩu trang có nhãn hiệu Green Life Face Mask (2.400 chiếc/thùng), 23 thùng khẩu trang có nhãn hiệu Viva Face Mask (một thùng 50 hộp, 50 chiếc/hộp) trên nhãn ghi do Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ Việt Hàn, địa chỉ số 18 ngách 31, ngõ 342 đường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội sản xuất, nhà máy sản xuất Nông Trường An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội. Tổng số 180 thùng tương đương 434.300 chiếc khẩu trang.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện điểm tập kết có 300 vỏ thùng cát tông và 715kg vỏ hộp đựng khẩu trang mang nhãn hiệu Viva Face Mask và ghi sản xuất bởi Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ Việt Hàn.

Toàn bộ hàng hóa trên ông Cường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa.

Đội QLTT số 26 đã ra Quyết định tạm giữ tạm giữ toàn bộ số hàng hóa 318 thùng tương đương 765.500 chiếc khẩu trang để tiếp tục điều tra làm rõ sự việc và xử lý theo quy định.

Phát hiện nhiều lô khẩu trang số lượng khủng không rõ nguồn gốc  - 2
Cơ quan quản lý thị trường đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ gần 1 triệu khẩu trang có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định. Trị giá lô hàng ước tính khoảng 950 triệu đồng.

Trong khi đó tại Quảng Bình, ngày 31/7, kiểm tra xe Biển kiểm soát 29H 38383 do ông Phan Xuân Thanh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) điều khiển, Đội quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý thị trường Quảng Bình) và Phòng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Quảng Bình) phát hiện 18.950 hộp (947.500 chiếc) khẩu trang y tế các loại.

Trong đó, 12.450 hộp khẩu trang y tế 4 lớp mang nhãn hiệu Tatsu, 6.500 hộp khẩu trang 4 lớp hiệu Dala Mask do Việt Nam sản xuất. Toàn bộ lô hàng này không có hóa đơn chứng minh tính hợp pháp, nguồn gốc xuất xứ, ước tính khoảng 950 triệu đồng.

Phát hiện nhiều lô khẩu trang số lượng khủng không rõ nguồn gốc  - 3

Thêm gần một triệu khẩu trang y tế không nguồn gốc xuất xứ được phát hiện tại Quảng Bình.

Hiện số hàng này được Đội quản lý thị trường số 7 tạm giữ, tiếp tục xác minh và xử lý theo quy định.

Ngay sau khi Đà Nẵng phát hiện có ca nhiễm Covid-19 mới lây trong cộng đồng, mặt hàng khẩu trang y tế lập tức “sốt nóng" với số lượng người tìm mua gia tăng nhanh chóng. Chính điều này khiến cho mặt hàng này dễ xảy ra những vấn đề giả mạo, gian lận nguồn gốc xuất xứ…

Mới đây nhất, chiều ngày 30/7, cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra đột xuất và thu giữ hàng trăm nghìn khẩu trang 3M giả tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại thiết bị Nam Anh.