Bất ngờ việc thanh tra ngành tài chính phát hiện, kiến nghị thu hồi 12.470 tỷ đồng
(Dân trí) - Theo tin từ Bộ Tài chính, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, thanh tra ngành tài chính đã thực hiện trên 67 ngàn cuộc thanh tra; kiểm tra trên 354 ngàn hồ sơ kê khai thuế và kiến nghị thu hồi 12.470 tỷ đồng.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo cho biết, trong quý III và 9 tháng đầu năm 2017, Thanh tra ngành Tài chính đã thực hiện 67.186 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và 10.022 vụ bắt giữ qua điều tra chống buôn lậu; kiến nghị xử lý tài chính 13,6 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, các đoàn thanh tra đã phát hiện và kiến nghị thu hồi 12,47 nghìn tỷ đồng, kiến nghị khác 1.137 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 2.225 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp ngân sách Nhà nước 8.928 tỷ đồng.
Qua thanh tra, đã kiến nghị yêu cầu rà soát đôn đốc thu hồi nợ thuế và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm; chấn chỉnh công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng, công tác khảo sát, thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu và các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án...
Đồng thời, kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.
Kết quả thanh tra, kiểm tra theo từng lĩnh vực, 9 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 15 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2017 gồm: 14 cuộc thanh tra, 1 cuộc kiểm tra, lưu hành 31 kết luận. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính 1.991 tỷ đồng.
Trong khi đó, thanh tra hành chính, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 7 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị nội ngành (Thuế, Hải quan, TCDTNN) (bao gồm 5 cuộc thanh tra và 2 cuộc kiểm tra). Kết quả của 03 kết luận thanh tra hành chính, 02 báo cáo kết quả kiểm tra đã lưu hành trong 9 tháng năm 2017 kiến nghị xử lý về tài chính 81 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, theo Bộ Tài chính, qua thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm trong quản lý, thực hiện chính sách chế độ về tài chính, ngân sách.
"Điển hình như trong công tác quản lý và điều hành ngân sách, tại các địa phương còn tình trạng bố trí vốn ngân sách cho dự án vượt quá thời gian quy định; chưa thực hiện giao dự toán thu NSNN đối với một số khoản thu thuộc thẩm quyền của địa phương; chưa bố trí phần vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh cho một số dự án được Trung ương hỗ trợ có mục tiêu; giao dự toán chi đầu tư XDCB chưa đúng quy định dẫn đến mất cân đối không đảm bảo nguồn chi", Bộ Tà chính cho biết.
Cũng theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong công tác quản lý tài chính, ngân sách Bộ, ngành, công tác lập dự toán còn chậm so với thời gian quy định, thiếu báo cáo thuyết minh chi tiết, thiếu nguồn thu và chưa sát với năm trước liền kề; giao dự toán thu phí, lệ phí cho các đơn vị trực thuộc chưa phù hợp; điều chỉnh kinh phí một số nhiệm vụ chi không thường xuyên khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính; thu một số khoản phí và lệ phí cao hơn mức quy định…
Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, trong công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm như: Lập và phê duyệt tổng mức đầu tư chưa chính xác; lập, phê duyệt dự toán chưa chính xác dẫn tới giá trúng thầu phải giảm trừ khối lượng; phê duyệt quyết toán, thanh toán không đúng; nghiệm thu thanh toán tăng không đúng...
Trong công tác quản lý tài chính tại các doanh nghiệp còn tình trạng xây dựng phương án tăng vốn điều lệ không đúng với nhu cầu vốn thực tế; hạch toán thiếu doanh thu, thu nhập khác, hạch toán không đúng lợi nhuận...
Phương Dung