1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phân bón giá rẻ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

(Dân trí) - Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương, giá phân bón trong nước trên thị trường trong tháng 2/2017 đã tăng trở lại do giá dầu thô nhích tăng, điều này khiến nhiều doanh nghiệp ngành phân bón hoá chất khấp khởi mừng thầm. Tuy nhiên, phân bón nước ngoài, trong đó phần lớn là phân bón Trung Quốc hiện đang đổ mạnh vào Việt Nam, với giá nhiều loại rẻ hơn giá phân trong nước gần 1 triệu đồng/tấn.

Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm trên, tháng 2/2017, thị trường phân bón đã sôi động hơn, giá Urea và DAP tăng do nhu cầu phân bón trong nước và giá thế giới tăng mạnh. Cụ thể giá các loại phân bón, tại các tỉnh phía Bắc, giá phân urê Phú Mỹ tăng 12,4%, lên 8.100-8.200 đ/kg; giá urê Trung Quốc tăng 8,1%, lên 7.300 đ/kg.

Tại Tp.HCM, giá urê Phú Mỹ tăng 17,8%, lên 7.400-7.800 đ/kg; giá urê Trung Quốc tăng 25,2%, lên 7.200 đ/kg. Tại Tiền Giang, giá urê Phú Mỹ tăng 10%, lên 8.200-8.300 đ/kg; giá urê Trung Quốc tăng 16,1%, lên 7.200 đ/kg.

Do đó, dự báo giá phân bón trong nước thời gian tới sẽ quay trở lại đà tăng do nhu cầu phân bón cho mùa vụ xuân hè lớn. Ngoài ra, giá phân bón thế giới được cộng hưởng từ giá dầu thô tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng sẽ tiếp tục nâng đỡ giá phân bón trong nước tăng trở lại.

Phân bón giá rẻ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam - 1

Về thị trường xuất khẩu, nửa đầu tháng 2/2017, các nhà máy phân bón trong nước đã xuất được hơn 49.800 tấn, đạt kim ngạch 15,1 triệu USD, tăng 49,8% về lượng và tăng 67,7% về kim ngạch so với kỳ trước. Lũy kế đến 15/2/2017, xuất khẩu đạt 101.300 tấn với kim ngạch 29,3 triệu USD, tăng 98,4% về lượng và tăng 80% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, nếu so phân bón xuất khẩu với nhập khẩu có sự chênh lệch rất lớn, hàng nghìn lần. Cụ thể, tính đến giữa tháng 2/2017, nhập khẩu phân bón của Việt Nam cũng tăng mạnh với 548,2 triệu tấn, kim ngạch 141,7 triệu USD, tăng 26,2% về lượng và tăng 13,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó nhập khẩu phân đạm DAP tăng mạnh nhất, đạt 115,5 nghìn tấn với kim ngạch 41,6 triệu USD, tăng 122,6% về lượng và tăng 95,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016. Phân kali nhập khẩu đạt 165,1 nghìn tấn với kim ngạch 41,5 triệu USD, tăng 13,5% về lượng.

Trái ngược với xu hướng giá phân trong nước tăng, lượng phân nhập tăng mạnh, giá nhiều loại phân bón nhập khẩu giảm khá mạnh. Cụ thể giá phân urê Trung Quốc hiện chỉ khoảng 7,2 triệu đồng - 7,5 triệu đồng/tấn. So sánh mức giá phân bón của Đạm Phú Mỹ, giá urê Trung Quốc thấp hơn từ 200.000 đồng – 900.000 đồng/tấn.

Giá phân urê nhập nói chung ở mức 254,5 USD/tấn (5,8 triệu đồng/tấn), giảm 2,6% so với cùng kỳ. Với mức giá này, giá phân urê nhập ngoại nhập đang thấp hơn giá phân bón sản xuất trong nước của Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc từ 600.000 đồng – 800.000 đồng/tấn. Ngoài ra, giá phân NPK nhập khẩu hiện cũng giảm 5,1%, xuống mức 351,5 USD/tấn; giá phân kali giảm 4,6%, xuống 239,4 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Trái ngược, giá một số loại phân khác lại tăng như phân SA tăng 2% lên 119,0 USD/tấn, giá DAP tăng 4,3% lên 357,2 USD/tấn. Điều đáng nói, các loại phân như đạm urê, NPK, kali (đều là phân bón chiếm tỷ trọng lớn của phân bón vô cơ) được sử dụng trực tiếp trong nông nghiệp. Trong khi các loại phân đạm SA và DAP đa phần được sử dụng chủ yếu làm nguyên liệu đầu cho phân NPK, tỷ lệ sử dụng trực tiếp trong nông nghiệp khá thấp (chủ yếu dành cho cây công nghiệp như: cà phê, cao su, chè, hồ tiêu, ca cao...)

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm