Phải tăng lãi suất!

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy, lãi suất tăng trong thời gian qua là cách làm duy nhất, độc lập với mong muốn chủ quan của nhà điều hành chính sách tiền tệ.

Trong năm 2005, Ngân hàng Nhà nước ba lần tăng một số lãi suất chủ đạo là lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu, hai lần tăng lãi suất cơ bản đồng Việt Nam.

Trong năm 2005, lãi suất huy động VND tăng 0,6-1,2%/năm, lãi suất cho vay VND tăng 0,6%/năm, lãi suất huy động bằng USD tăng 1,2-2,5%/năm và lãi suất cho vay bằng USD tăng 0,7-1,5%/năm so với cuối năm 2004.

Cuối năm 2005 đầu năm 2006, lãi suất trên thị trường ngân hàng lại bắt đầu gợn một mức tăng mới. Những diễn biến trên, theo Thống đốc Lê Đức Thúy, là lựa chọn duy nhất trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Tại cuộc họp báo vừa qua, Thống đốc nói: “Để đối phó với lạm phát, dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào, đối với bất cứ quốc gia nào, biện pháp chủ yếu vẫn là thắt chặt tiền tệ. Mà thắt chặt tiền tệ, dù bằng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay tăng lãi suất chỉ đạo của ngân hàng trung ương, đều dẫn tới làm tăng lãi suất trên thị trường”.

Về tác động từ lãi suất tăng, Thống đốc phân tích:

Đối với người gửi tiền, đó là ảnh hưởng tích cực và nguồn vốn thu hút vào ngân hàng tăng lên, khuyến khích hạn chế việc tiêu dùng trong ngắn hạn để hưởng lợi từ tiết kiệm chi tiêu.

Đối với nhà đầu tư là các doanh nghiệp, đương nhiên chi phí trả lãi cao hơn, buộc họ phải cân nhắc nên vay vốn đầu tư hay không, vào những dự án nào để có thể hoàn trả nợ với mức lãi suất mới. Như vậy, sẽ loại bỏ bớt những dự án ít hiệu quả và bắt buộc phải có sự chọn lọc.

Đối với những người đã đầu tư và đã vay vốn, chi phí kinh doanh tăng và lợi nhuận giảm bớt và họ buộc phải tiết giảm các chi phí khác để có thể tồn tại và cạnh tranh tốt trên thị trường.

Nhưng, lãi suất tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa tăng theo. Về tác động này, Thống đốc nói: “Tôi nghĩ, thị trường có mối tương quan giữa cung - cầu: giá tăng thì cầu giảm! Kể cả trong lãi suất ngân hàng cũng vậy. Lãi suất tăng thì cầu vay ngân hàng giảm; giá cả hàng hoá tăng thì cầu hàng hoá sẽ phải giảm, mà cầu giảm thì đương nhiên giá hàng hoá phải giảm xuống. Đấy là những nguyên lý của thị trường, độc lập với mong muốn của chúng ta”.

Cái khó đối với Ngân hàng Nhà nước là đứng giữa hai mục tiêu kiềm chế lạm phát và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng. “Phải ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng”, Thống đốc Khẳng định, theo đó, “chúng tôi cho rằng, chúng tôi đã nỗ lực và đã tương đối thành công: không để lạm phát bùng lên quá 2 con số đồng thời vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng 8,4%”.

Thống đốc thừa nhận có một nghịch lý đã và đang tồn tại mà chưa thể giải quyết được. Đó là nghịch lý trong quan hệ cung và cầu vốn trên thị trường.

“Với tư cách là người đi buôn, chẳng ai muốn đi mua hàng đắt. Ngân hàng cũng muốn huy động thật rẻ. Nhưng với mức tăng giá như trong thời gian qua, với sự co kéo của nhiều lĩnh vực đầu tư, lãi suất thấp thì dân không gửi tiền. Vì vậy nhất định buộc phải thu hút vốn vào ngân hàng”, Thống đốc lập luận.

Vì sao phải thu hút vốn? Vì có nhu cầu vay vốn lớn. Riêng các dự án trọng điểm của Chính phủ, đặc biệt là những dự án không thể trì hoãn, đã thu hút một lượng vốn lớn của ngân hàng, đồng thời, cạnh tranh gay gắt với khả năng tiếp cận vốn với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và cả hộ dân cư. Trong điều kiện thị trường vốn chưa phát triển, gánh nặng đó dồn vào các ngân hàng.

Các ngân hàng phải đứng trước tình trạng nhiều tổng công ty, doanh nghiệp lớn đăng ký với Chính phủ xin sẵn sàng làm nhà máy xi măng, điện, phân bón... và tự lo lấy vốn, nhưng sau khi được Chính phủ chấp nhận, thì kênh tìm vốn lại chính là các ngân hàng.

Một số chuyên gia tài chính cho rằng chỉ khi các doanh nghiệp đủ sức phát hành trái phiếu của mình để tự huy động vốn, tình trạng trên mới có hy vọng được khắc phục.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải chịu áp lực đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như như cầu vay tiêu dùng của các hộ gia đình, cá nhân…

Nhu cầu vốn lớn, khả năng đáp ứng hạn chế. Và theo Thống đốc, để giải quyết vấn đề này, chỉ còn cách nâng lãi suất để huy động vốn. Nâng lãi suất huy động vốn thì buộc phải tăng lãi suất cho vay nhiều hơn để đảm bảo có lãi. Vòng nghịch lý này đã tồn tại lâu nay và hiện vẫn chưa giải quyết được.

Theo T.M.Đức
VnEconomy