"Phải tách bạch quản lý nhà nước của bộ và hoạt động 19 tập đoàn, tổng công ty"

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả cả trước, trong và sau khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

"Người phải theo việc, người nào việc đấy"

Hôm nay, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã chủ trì các cuộc họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ ngành quản lý.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, cơ quan này sẽ chuyển giao nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu tại các tập đoàn, tổng công ty về các bộ. Cùng đó, bộ máy nhân sự quản lý của các doanh nghiệp sẽ được chuyển giao theo nguyên tắc "người theo việc".

Trong quá trình sắp xếp, cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của Ủy ban sẽ được đảm bảo về quyền lợi, công việc. Sau sắp xếp, cơ quan này sẽ hoạt động theo mô hình mới là đơn vị độc lập thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết nguyên tắc chuyển giao các tập đoàn, tổng công ty về bộ quản lý ngành là "người phải theo việc, người nào việc đấy".

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, "giao quyền mạnh" để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển mạnh theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo các tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả cả trước, trong và sau khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Nguyên tắc sắp xếp cũng phải tách bạch hợp lý giữa chức năng quản lý Nhà nước của bộ chuyên ngành với hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty đẩy nhanh tiến độ xử lý các công việc theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.

Về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo cụ thể về phương án sắp xếp các vụ, cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc; phương án sắp xếp cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương.

Trong đó có 2 khối giảm lớn nhất là chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố và sắp xếp lại cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng từ mô hình tổng cục xuống cục.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần làm tốt công tác tư tưởng để tạo sự đồng thuận trong hệ thống, đồng thời nghiên cứu đề xuất các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng.

Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phải đảm bảo quy mô hợp lý, đủ người, đủ trách nhiệm để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao.

Với phương án sắp xếp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ý kiến của các bộ liên quan thống nhất với phương án chuyển một phần chức năng, nhiệm vụ và nhân sự về Bộ Tài chính và phần còn lại chuyển về Ngân hàng Nhà nước theo tinh thần "người đi theo việc".

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thì tiếp nhận nhân sự. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để triển khai phương án chuyển giao nhân sự; đề xuất chuyển giao trụ sở, tài sản.

Phải tách bạch quản lý nhà nước của bộ và hoạt động 19 tập đoàn, tổng công ty - 1

Phó Thủ tướng yêu cầu thu gọn đầu mối bộ máy bảo hiểm xã hội ở Trung ương, chỉ giữ các đơn vị "xương sống", sáp nhập, hợp nhất các đơn vị có tính chất tương đồng (Ảnh: VGP).

Bảo hiểm xã hội chỉ giữ các đơn vị "xương sống"

Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề xuất việc sắp xếp tinh gọn bộ máy theo hướng giảm 5 đơn vị từ 21 ban và tương đương hiện nay.

Tương tự, tại Bảo hiểm xã hội các tỉnh cũng sẽ sắp xếp để giảm 24,6% đầu mối. Ở cấp huyện cũng tiếp tục tinh gọn, tổ chức mô hình liên huyện tại các địa phương thuận lợi, đồng thời có tính toán tới đặc thù những huyện khó khăn.

Lãnh đạo các Bộ thống nhất cao với việc tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam trực thuộc Bộ Tài chính. Đồng thời, cần tính toán, thiết kế để bảo đảm tính độc lập tương đối phù hợp với tính đặc thù của cơ quan này.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, tinh gọn để bộ máy gọn nhẹ, giảm chi thường xuyên, đầu mối phải giảm tối thiểu 15%, giảm bớt khâu trung gian, phân cấp phân quyền mạnh hơn, ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán không dùng tiền mặt mạnh mẽ. Đặc biệt, bộ máy làm việc phải giữ ổn định để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thu gọn đầu mối bộ máy Bảo hiểm xã hội ở Trung ương, chỉ giữ các đơn vị "xương sống", sáp nhập, hợp nhất các đơn vị có tính chất tương đồng; thu gọn đầu mối bảo hiểm các tỉnh. 

Đối với các huyện miền núi, do đặc thù địa hình, thì nên giữ nguyên. Khu vực đồng bằng có thể thu gọn lại và thành lập mô hình bảo hiểm xã hội liên huyện. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Bảo hiểm y tế.

19 doanh nghiệp do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu gồm:

1. Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước

2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam

4. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

5. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

6. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

7. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

8. Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam

9. Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

10. Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam

11. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam

12. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam

13. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

14. Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam

15. Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam

16. Tổng Công ty Cà phê Việt Nam

17. Tổng Công ty Lương thực miền Nam

18. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc

19. Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam