1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Phải sửa nhanh việc các tập đoàn thành lập ngân hàng”

(Dân trí) - Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN nhấn mạnh, việc các tập đoàn thành lập ngân hàng là không hợp lí và điều này phải được chỉnh sửa nhanh, rất kiên quyết. Ông Kiêm cũng phân tích vì sao những điều chỉnh vừa qua của ngành ngân hàng chưa phát huy được hiệu quả.

Một loạt biện pháp đã được áp dụng cho ngành ngân hàng nhằm chống lạm phát, nhưng dường như cho đến lúc này vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Phải tiếp tục giải quyết vấn đề như thế nào, thưa ông?

Đến lúc này các giải pháp ngân hàng phải có sự phân biệt, kể cả đối với từng thời kì, với từng ngân hàng. Ví dụ như khống chế 30% dư nợ tăng lên thì không phải ngân hàng nào cũng như nhau vì có ngân hàng mạnh, có ngân hàng yếu hơn, có ngân hàng thích nghi được, có ngân hàng không thích nghi được thì phải có sự phân loại. Hay thời kì nào chúng ta nâng cái gì, thời kì nào giảm cái gì hoặc liều lượng của mỗi biện pháp ấy cũng phải khác nhau. Hơn thế nữa, phải có sự đồng bộ, phối hợp rất chặt chẽ trong hệ thống ngân hàng và đối với các ngành khác như lĩnh vực thương mại, đầu tư, chứng khoán, bất động sản.

Có nhiều ý kiến cho rằng, lúc này cần phải làm rõ trách nhiệm cụ thể của ngân hàng?

Cái quan trọng nhất là điều hành chính sách tiền tệ thôi. Khối lượng tiền tung ra như thế, thu về không nhanh được, lãi suất không ổn định, tỉ giá có những phập phồng như thế… trách nhiệm cụ thể là ở những vấn đề đó.

Với kinh nghiệm của mình, ngân hàng phải biết điều đó, nhưng tại sao vẫn để xảy ra?

Ngân hàng biết điều đó nên họ làm rất mạnh ngay từ lúc đầu, nhưng lại không phối hợp được với các ngành khác cho nên nó lại gây ra hậu quả. Thí dụ một lúc đưa ra tăng dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất, đưa trái phiếu Chính phủ ra, trong khi các lĩnh vực khác chưa phối hợp đồng bộ. Chỗ này dâng lên và làm tắc ở những chỗ khác.

Trách nhiệm cá nhân của Thống đốc ngân hàng nhà nước như thế nào?

Trách nhiệm cá nhân thì Chính phủ phải bàn.

Trong thảo luận tại hội trường, có đại biểu cho rằng, chính sách tiền tệ bất cập có trách nhiệm của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ. Là thành viên của Hội đồng tư vấn, ông nói gì về điều này?

Tất nhiên là tất cả chúng ta phải có trách nhiệm, kể cả Hội đồng tư vấn, cả Chính phủ, kể cả Quốc hội khi biểu quyết thông qua các chỉ tiêu. Mức độ của từng lĩnh vực một như thế nào phải được phân tích rất cụ thể để sửa rất cụ thể.

Có rất nhiều ý kiến của đại biểu QH phản ứng với các tập đoàn đứng ra thành lập các ngân hàng, nhất là khi về chuyên môn, lĩnh vực này hoàn toàn mới với các tập đoàn. Theo ông thì sao?

Hoàn toàn không nên. Nhân sự không có, thị trường chưa xác định được, khách hàng không có mà đang lúc lạm phát thế này, khả năng rủi ro, không kinh doanh được là rất lớn. Nếu để như thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, các ngành này đi kinh doanh ngân hàng, không tập trung vào kinh doanh chính của mình thì các lĩnh vực khác sẽ ảnh hưởng và hệ quả là lĩnh vực này này thì đổ vỡ, lĩnh vực khác không hoàn thành. Đây là điều rất không nên và phải được chỉnh sửa nhanh và rất kiên quyết.

Xin cảm ơn ông!

Mạnh Cường