Vụ phó Vụ Chính sách thuế:

Phải bỏ bảo hộ để phát triển nền kinh tế

(Dân trí) - Gia nhập WTO và thực hiện các cam kết hội nhập ASEAN trong cùng một thời điểm, Việt Nam sẽ đồng loạt cắt giảm thuế suất hầu hết các mặt hàng trong danh mục CEPT/AFTA xuống mức 0-5% và “buộc phải” xoá bỏ các bảo hộ khi gia nhập.

Với nhiều mặt hàng còn phải chịu mức thuế nhập khẩu cao như hiện nay, Việt Nam sẽ phải làm gì để phù hợp với các cam kết chung? Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính). Ông Phụng cho biết:

Ngay từ đầu năm 2006, cùng với việc sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Bộ Tài chính cũng tập trung điều hành các mặt hàng chiến lược liên quan đến đời sống của nhân dân, mà nổi lên là mặt hàng xăng dầu.

Việc điều hành đã đảm bảo được những mục tiêu lớn mà Chính phủ đã đề ra, đó là: không bù lỗ đối với mặt hàng xăng và giảm dần can thiệp của Nhà nước đối với mặt hàng dầu, tạo điều kiện giữ ổn định thị trường trong nước.

Bộ Tài chính cũng rà soát, giảm thuế suất của 117 nhóm mặt hàng trong nước chưa sản xuất được như: thép cán nóng, thiết bị công nghệ cao, thuốc tân dược… Đồng thời, Bộ cũng đã bãi bỏ chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hoá đối với các sản phẩm thuộc ngành cơ khí, điện, điện tử.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng điều chỉnh tăng thuế suất 16 mặt hàng gồm thép dây không gỉ, thép cán nguội, tấm nhôm nhựa hỗn hợp… là nguyên liệu sản xuất hoặc thành phẩm trong nước đã có đầu tư sản xuất đáp ứng được đủ nhu cầu hoặc phần lớn nhu cầu trong nước.

Việc điều chỉnh tăng thuế suất được dựa trên chiến lược phát triển ngành nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư, tăng sức cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu, phù hợp với các cam kết hội nhập trong khu vực và WTO.

Thưa ông, với các biện pháp điều hành thuế nhập khẩu hiện nay, liệu thách thức cạnh tranh khi hội nhập đối với doanh nghiệp trong nước có được giảm thiểu?

Việc điều hành thuế nhập khẩu góp phần quan trọng trong việc bảo hộ có chọn lọc các ngành hàng có khả năng cạnh tranh đầu tư, mở rộng sản xuất, hạn chế tối đa những tác động bất lợi về biến động của giá cả các mặt hàng nguyên liệu đầu vào.

Cụ thể, đối với mặt hàng xăng dầu, khi giá thế giới liên tục biến động theo chiều hướng tăng và đứng ở mức cao trong khoảng thời gian dài, đạt kỷ lục khoảng 76-78 USD/thùng, Nhà nước đã phải bỏ khoản thu từ thuế xăng và chi thêm tiền từ ngân sách để bù lỗ cho mặt hàng dầu, nhằm đảm bảo ổn định sản xuất và tiêu dùng trong nước, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc điều chỉnh thuế vừa giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước khi đã phải bù lỗ trong suốt một thời gian dài trước đó. Hơn thế chính sách ưu đãi thuế đã góp phần quan trọng tạo điều kiện để nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam (khoảng 300 doanh nghiệp) có điều kiện hình thành, từng bước mở rộng và phát triển, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Theo quy định của WTO thì  trong 5 năm kể từ khi gia nhập tổ chức này, các nước thành viên mới phải dỡ bỏ hết chính sách ưu đãi thuế. Tại sao Việt Nam không tận dụng cơ hội này trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước còn nhỏ và yếu?

Đúng là chúng ta có quyền tiếp tục kéo dài, nhưng phải nghĩ đến hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế như thế nào. Bởi nếu chúng ta tiếp tục bảo hộ, các doanh nghiệp được ưu đãi sẽ vẫn ỉ lại, tình trạng trì trệ vẫn kéo dài trong khi đại bộ phận các doanh nghiệp đang vươn lên để hội nhập. Do đó không thể vì vài trăm doanh nghiệp mà kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Thêm vào đó, khi hàng rào thuế quan trong nước chưa được dỡ bỏ, thì hàng hoá của Việt Nam vào nước khác cũng bị đánh thuế cao. Nhìn chung, xét về tổng quan là bất lợi nhiều hơn có lợi.

Để giúp doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, định hướng điều hành chính sách thuế trong những tháng cuối năm của Bộ Tài chính thế nào, thưa ông?

Việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào tháng 11 tới đồng nghĩa với việc thuế suất của nhiều mặt hàng trong nước sẽ phải cắt giảm.

Do đó, Bộ Tài chính dự kiến sẽ ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi mới theo cam kết WTO, đồng thời đưa ra lộ trình cắt giảm thuế đối với một số mặt hàng có tính nhạy cảm đối với nền kinh tế để các doanh nghiệp trong nước biết và có thời gian chuẩn bị.

Đối với mặt hàng dầu, đến đầu năm 2007, giá bán dầu mazut sẽ điều chỉnh theo cơ chế đảm bảo kinh doanh; cuối năm 2007 sẽ điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Đối với diezel và dầu hỏa thực hiện điều hành theo cơ chế đảm bảo kinh doanh từ cuối năm 2007, đến cuối năm 2008 theo cơ chế thị trường.

Với mặt hàng xăng sẽ giữ ổn định mức thuế nhập khẩu, dự kiến ở mức thuế suất 15% nếu giá thế giới biến động hoặc ổn định từ 60 USD/thùng trở lên; mức 20% nếu giá thế giới dao động từ khoảng 50 - 60 USD/thùng; mức 25% nếu giá giới thế giới dưới 50 USD/thùng.

Đối với các mặt hàng còn lại, Bộ sẽ nghiên cứu áp dụng mức thuế nhập khẩu hợp lý theo lộ trình theo hướng giảm dần tiến tới xóa bỏ cơ chế bù lỗ.

Xin cám ơn ông!

Hiền Trung (thực hiện)