Phá sản dự án mobile giá rẻ “made in VN”
Sau ba năm được cấp phép và “xí phần” đất ở Đà Nẵng, dự án sản xuất điện thoại di động (ĐTDĐ) “Made in VN” vẫn dậm chân tại chỗ và chính quyền buộc phải quyết định rút giấy phép.
Ngày 6/2/2007, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã ký văn bản số 641, gửi Trưởng BQL các Khu công nghiệp - Chế xuất Đà Nẵng, ghi rõ: “Đồng ý về nguyên tắc thu hồi giấy phép đầu tư (GPĐT) và thu hồi đất đã cho thuê đối với các dự án (DA) chậm triển khai...
Giao BQL các KCN-CX làm việc với các chủ DA để thực hiện việc thu hồi GPĐT, thu hồi đất đã cho DA thuê...”. Trong số 4 DA bị đề nghị thu hồi giấy phép và đất, đáng chú ý có DA sản xuất, lắp ráp điện thoại di động của công ty CP VinaMobi (gọi tắt là VMF) - dự án được coi là đầu tiên của Việt Nam vào lĩnh vực này.
Dù vậy nhưng chủ của VMF lại quá “nổ” mỗi khi phát biểu với báo chí. Báo chí đưa tin, từ ngày 30/9/2003, VMF khởi công nhà máy, nghĩa là trước khi nhận GPĐT tròn... 1 năm!
Ông Lê Huy Hoàng đã khẳng định “đến tháng 11 năm nay (2 tháng sau khởi công) sẽ tung sản phẩm đầu tiên ra thị trường (?)...”. Và sẽ xây dựng “nhà máy chế tạo di dộng”, chứ không phải “sản xuất di động”, với tỷ lệ nội địa hoá 50%; sẽ có 80% sản phẩm tiêu thụ nội địa, và Tổng công ty BC-VT sẽ là “khách hàng chính”... ! |
Theo đề án ban đầu, đến tháng 12/2005, VMF sẽ xuất xưởng sản phẩm ĐTDĐ giá rẻ đầu tiên “Made in VN” với công xuất nhà máy đạt 300.000 chiếc/năm. Sau 3 năm sản xuất sẽ lên đến hơn 1 triệu chiếc. Thế nhưng, đã gần 3 năm kể từ ngày nhận GPĐT, VMF vẫn “ngoài vòng phủ sóng”, ngoại trừ việc xây dựng nhà văn phòng và... tường rào cổng ngõ!
VMF nói gì ?
Sau khi bị đề nghị thu hồi GPĐT và đất, tại cuộc làm việc với BQL các KCN-CX (ngày 7/3/2007), VMF giải trình: Sở dĩ DA chậm, do thị trường ĐTDĐ chuyển biến nhanh, phải thay đổi công nghệ tiên tiến hơn mới cạnh tranh được, đồng thời do VMF “chưa được cấp quyền sử dụng đất nên phía nước ngoài sẽ không đầu tư cho DA như đã cam kết”.
Ngày 12/3/2007, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VMF, ông Lê Quang Hoà, tiếp tục gửi văn bản kiến nghị đến BQL các KCN-CX, cho rằng việc thu hồi GPĐT là không hợp lý, yêu cầu được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, đồng thời đề nghị được nộp 1 lần toàn bộ tiền thuê đất trong 40 năm (khoảng gần 1,2 tỷ đồng).
Trả lời kiến nghị trên, ngày 4/5/2007, UBND TP Đà Nẵng ra văn bản số 2167, khẳng định: “Để thực hiện đúng qui định của Luật Đất đai và đảm bảo hiệu quả sử dụng đất trong đầu tư xây dựng, UBND TP Đà Nẵng chỉ xem xét cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với các dự án đầu tư đã hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và đã chính thức đưa vào hoạt động, vận hành khai thác, chưa xem xét cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với các dự án đầu tư chưa đạt yêu cầu nêu trên”.
Ngày 23/5/2007, khi tếp xúc với chúng tôi ông Lê Quang Hoà vẫn một mực khẳng định “phía đối tác cần sổ đỏ mới yên tâm đầu tư”, và VMF chỉ đầu tư khi đã nắm sổ đỏ. Trong khi cũng theo lãnh đạo VMF, dự án 100% thuộc về phía VN, đối tác là Zentek chỉ góp vốn bằng công nghệ phần mềm ở giai đoạn hai. Có nghĩa là khi nào có nhà máy mới đưa công nghệ qua, nhưng nhà máy hiện vẫn chưa có.
Lạ ở chỗ, biết bao nhiêu nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đang làm ăn quy mô lớn gấp nhiều lần ở KCN Hoà Khánh, mà đâu có ai cứ “nằng nặc” đòi sổ đỏ như VMF?
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 2004, khi VMF đến Đà Nẵng, đã có thông tin từ cơ quan chức năng cảnh báo về năng lực tài chính của ông Lê Huy Hoàng - Chủ tịch HĐQT khi đó. Khi còn là chủ một doanh nghiệp dịch vụ du lịch nhỏ ở Huế, ông Hoàng đã nợ nần nhiều nơi, sau giải thể, lập một DN khác cho người thân đứng tên.
Ông Hoàng đã bị chủ nợ kiện ra toà, bị toà buộc phải trả nợ, nhưng vẫn dây dưa cho đến khi vào Đà Nẵng lập công ty CP VMF. Sau đó, ông Hoàng đã “rút” chức Chủ tịch HĐQT VMF tại Đà Nẵng để ra Hà Nội lập một công ty CP đầu tư tài chính khác (cũng có tên viết tắt là VMF), nhưng thực chất vẫn nắm quyền quyết định tại VMF Đà Nẵng.
Với những gì liên quan đến dự án ĐTDĐ đầu tiên “Made in VN” tại Đà Nẵng, nhiều khả năng đây cũng lại là một kiểu “xí phần” đất trong KCN, như từng xảy ra với một số dự án khác.
Theo Trần Tuấn
Báo Tiền phong