1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Petrolimex khẳng định không thiếu xăng dầu

(Dân trí) - Trước hiện tượng nhiều cửa hàng xăng dầu trong cả nước đóng cửa ngừng bán hàng hoặc bán nhỏ giọt, lãnh đạo Petrolimex chính thức khẳng định: “Các cửa hàng xăng dầu thuộc Petrolimex trong bất cứ tình huống nào cũng có đủ xăng dầu để bán và bán đúng giá niêm yết”.

Petrolimex khẳng định không thiếu xăng dầu - 1
Không thiếu xăng dầu nhưng có chuyện các cây xăng tư nhận ghim hàng.
 
Xăng dầu đã lỗ tới 3.000 đồng/lít

Trong những ngày gần đây, người tiêu dùng và các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh hiện tượng nhiều cửa hàng xăng dầu trên phạm vi cả nước ngừng hoặc hạn chế bán xăng dầu làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Sáng 20/2, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - doanh nghiệp được giao giữ vị trí trọng yếu trong việc bảo đảm xăng dầu tại Việt Nam - đã chủ động thông báo với báo giới về tình hình bảo đảm nguồn và bán xăng dầu của hệ thống mình.

Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết: Toàn quốc hiện có khoảng 14.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, riêng hệ thống Petrolimex có hai kênh phân phối. Kênh thứ nhất, các cửa hàng xăng dầu (CHXD) thuộc Petrolimex, gồm 2.016 cửa hàng trên toàn quốc. Trong bất cứ tình huống nào, hệ thống mạng lưới này luôn đảm bảo có đủ xăng dầu để bán, bán đúng giá niêm yết và bán đúng thời gian mở cửa, đóng cửa công bố tại CHXD.

Kênh thứ hai, các CHXD thuộc đại lý, tổng đại lý bán xăng dầu dưới thương hiệu Petrolimex, gồm khoảng 4.000 cửa hàng trên toàn quốc. Với kênh phân phối này, Petrolimex cam kết giao hàng cho các đại lý, tổng đại lý theo đúng nội dung ghi trong hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, thời gian bán hàng của các CHXD thuộc kênh này do các doanh nghiệp tự quy định và công bố công khai.

“Do đó, chúng tôi khẳng định các cửa hàng xăng dầu thuộc Petrolimex được cung cấp xăng dầu đầy đủ, không thiếu hàng bán cho người tiêu dùng. Nhưng khách hàng cần phân biệt rõ nhận diện của hai hệ thống trên và các CHXD thuộc các đơn bị khác không thuộc kênh phân phối của Petrolimex. Bởi hiện có tình trạng, CHXD không thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex nhưng vẫn đang sử dụng trái phép logo và hệ thống nhận diện thương hiệu Petrolimex để kinh doanh”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo khẳng định của ông Dũng: Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới nhiều biến động cộng thêm yếu tố trong nước, nhưng Petrolimex luôn nhập khẩu vượt hạn mức tối thiểu mà Bộ Công Thương phân bổ, nhằm đảm bảo nguồn cung. Trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2 vừa qua, lượng nhập khẩu của doanh nghiệp này đạt trên 1,5 triệu m3/tấn (vượt 22% so với cùng kỳ và so với chỉ tiêu hạn ngạch vượt trên 20%). Trong thời gian qua, Petrolimex cung ứng ra thị trường khoảng 800.000 m3/tấn xăng dầu; vượt 18% sản lượng so với tháng 12/2010 và cao hơn cùng kỳ năm trước tới 20%. Chỉ trong 15 ngày đầu tháng 2, Petrolimex bán ra thị trường vượt 22% so với cùng kỳ.

Theo tính toán của ông Dũng, chênh lệch chi phí đầu vào và giá bán lẻ trên thị trường trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá vào khoảng 2.000 đồng/lít xăng, dầu lỗ cao hơn. Còn sau khi điều chỉnh tỷ giá, mỗi lít xăng dầu lỗ hiện lỗ khoảng 3.000 đồng.

Khó mua được ngoại tệ từ ngân hàng

Ông Vương Thái Dũng thừa nhận việc điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 9,3% là dấu hiệu tích cực để đưa tỷ giá liên ngân hàng sát với tỷ giá trên thị trường, nhưng khi tỷ giá tăng thì giá cơ sở của xăng dầu cũng tăng theo. Điển hình là việc giá cơ sở hiện đã bị đội thêm 1.000 đồng/lít xăng dầu.

Đối với Petrolimex, mỗi năm doanh nghiệp này cần tới 6 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu. Với nguồn cung ngoại tệ lớn như vậy, nhưng Petrolimex đều mua từ ngân hàng thương mại theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN quy định, không phải mua từ thị trường chợ đen. Và do chênh lệch tỷ giá khi điều chỉnh, Petrolimex đã bị thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.

Song, điều đáng nói ở đây là nguồn ngoại tệ để bán cho các doanh nghiệp đầu mối (trong đó có Petrolimex) hiện còn rất khó khăn. Nguồn ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu vẫn được NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp đầu mối vay để nhập đủ xăng dầu cung ứng trên thị trường.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc NHNN vừa có thông tin đảm bảo đủ nguồn ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu và khẳng định “thông tin khan hiếm nguồn ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu là không có cơ sở”, lãnh đạo Petrolimex cho hay: “Việc mua đủ ngoại tệ từ ngân hàng thương mại để nhập khẩu xăng dầu hiện nay rất khó khăn, chúng tôi phải đi vay, đi nợ từ ngân hàng và các đối tác cung cấp. Ngân hàng chỉ bảo lãnh để chúng tôi mở L/C, hoặc cho vay khoản này khoản kia chứ không bán ngoại tệ trực tiếp. Với vai trò doanh nghiệp hoạt động trực tiếp, liên quan trực tiếp, những gì có được, hoặc những gì khó khăn, chúng tôi biết rõ nhất. Xin khẳng định là nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất lớn và ngân hàng không đủ nguồn ngoại tệ để bán trực tiếp cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi tin rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có phương án xử lý triệt để, bán đủ ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng dầu…”.

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm