Panasonic sẽ chuyển đầu tư từ Thái Lan sang Việt Nam

(Dân trí) - Trong khi nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển đầu tư từ Việt Nam sang các thị trường mới như Thái Lan, thì công ty Panasonic lại có động thái ngược lại và kế hoạch mở rộng đầu tư ở Việt Nam.

Theo ông Shinichi Wakita - tổng giám đốc Panasonic VN, Panasonic quyết định chuyển hướng sản xuất tủ lạnh hai cánh từ Thái Lan sang VN với việc mở rộng nhà máy sản xuất tủ lạnh tại Khu công nghiệp Thăng Long để nâng công suất năm 2015 tăng gấp đôi năm 2011, đạt 800.000 chiếc/năm. Nhà máy sẽ tập trung sản xuất tủ lạnh mang thương hiệu Panasonic với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

Giải thích về động thái này, ông Shinichi Wakita cho biết theo nghiên cứu thị trường của công ty, Việt Nam là một thị trường phù hợp với các sản phẩm tủ lạnh và máy giặt vì đời sống của người dân Việt Nam đang được cải thiện và nhu cầu tiêu dùng đang tăng trưởng rất nhanh. Trong khi đó, ở Thái Lan, nhu cầu đối với các sản phẩm này đã tương đối ổn định và công suất các nhà máy ở đó cũng có giới hạn.

 

Với mức tăng trưởng tốt, nền chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào, Việt nam là một trong những thị trường trọng điểm của ở khu vực, Panasonic cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

 

Thời gian qua, Panasonic đã không ngừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam thông qua việc thành lập các công ty và nhiều dự án lớn trên cả nước. Tính đến tháng 8/2011, nhóm công ty Panasonic tại Việt Nam gồm có 6 công ty, bao gồm 1 công ty mẹ chủ quản, 4 công ty sản xuất và 1 trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao (PRDCV), với tổng số nhân viên lên đến trên 8.200 người.

 

Năm 2012, Panasonic cũng sẽ khánh thành một nhà máy mới chuyên sản xuất máy giặt tại khu công nghiệp Thăng Long 2 (tỉnh Hưng Yên). Với quy mô lớn nhất châu Á, nhà máy này đặt mục tiêu sản xuất 700.000 sản phẩm/năm vào năm 2015.

 

Song hành cùng nhà máy này, một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng sẽ được thành lập tại Hưng Yên nhằm nghiên cứu, phát triển những sản phẩm điện gia dụng phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy và trung tâm R&D sẽ góp phần tạo ra hơn 1.000 việc làm cho người dân địa phương.

 

Panasonic cũng có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam. Trong quý 3/2011, Panasonic đã khởi công xây dựng một nhà máy mới chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội nhằm sản xuất bo mạch đa lớp ALIVH, phục vụ cho nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng của điện thoại thông minh. Nhà máy này sẽ bắt đầu sản xuất từ tháng 8/2012. Đây là nhà máy thứ ba sản xuất bo mạch công nghệ cao của Panasonic ngoài Nhật Bản và Đài Loan.

 

Ông Shinichi Wakita nói việc mở rộng đầu tư này đã tái khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam của tập đoàn Panasonic nhằm mục tiêu dẫn đầu thị trường máy giặt, tủ lạnh và xa hơn là vươn lên thành thương hiệu điện - điện tử gia dụng hàng đầu tại Việt Nam, với mức tăng trưởng bình quân mỗi năm ở mức hai chữ số trong giai đoạn 2011-2015. Trước mắt, mục tiêu doanh thu của Panasonic tại thị trường Việt Nam trong năm 2011 là 1 tỷ USD.

 

Thảo Nguyên