Ôtô Việt Nam đắt đỏ vì thiếu... ốc vít

Làm ăn tại Việt Nam, các công ty Nhật Bản muốn tìm nhà cung cấp linh kiện bản địa nhưng đành “bó tay” do số lượng doanh nghiệp quá ít, sản phẩm nghèo nàn và chất lượng chưa đạt yêu cầu. Họ thậm chí còn phải tìm nhà cung cấp qua danh bạ điện thoại.

Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ yếu kém, thiếu hấp dẫn đang khiến nhiều nhà đầu tư “đỏ mắt” tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện trong nước. Họ vẫn phải nhập khẩu là chính.
 
Tìm kiếm vô vọng

 

Tìm kiếm vô vọng

 

Tại Triển lãm Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ diễn ra ở Hà Nội vào đầu tháng 9 vừa qua, Toyota tham gia với một gian trưng bày các sản phẩm muốn tìm kiếm nhà cung cấp trong các lĩnh vực hàn, dập, đúc, nhựa và các chi tiết cao su. Nhưng mục đích này đã không đạt được và đây là lần thứ 5 liên tiếp Toyota thất bại trong việc tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện thông qua triển lãm.

 

Việt Nam cho đến nay mới chỉ 210 DN tham gia ngành công nghiệp phụ trợ ô tô và chủ yếu sản xuất các loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp, như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa...

 

Các DN ô tô đang “lo ngay ngáy” khi Đề án phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đang trong quá trình xem xét, phê duyệt đã đưa ra mục tiêu tập trung đẩy mạnh nội địa hóa. Những mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa cao sẽ được ưu đãi lớn. Nhưng tìm đâu nhà cung cấp linh kiện nội địa? Sau gần 20 năm, nội địa hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn là điểm yếu nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

 

Ông Kinya Okada, Giám đốc bộ phận điều phối ngành máy in laser của Công ty Canon Việt Nam mới đây đã đưa ra lời kêu gọi “nếu ai có thông tin về DN Việt Nam cung cấp được linh kiện điện tử cho Canon, thì hãy thông báo cho chúng tôi”. Tuy nhiên, chẳng có DN Việt Nam cung cấp linh kiện điện tử nào xuất hiện.

 

Các DN Việt Nam sản xuất linh kiện điện tử đến nay vẫn hoàn toàn vắng bóng, hoặc có nhưng không đạt yêu cầu. Lĩnh vực điện tử, dù có tên trong hầu hết các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nhiều năm qua, nhưng đến nay ngành sản xuất này của Việt Nam vẫn là con số không.

 

Một DN Nhật đầu tư vào lĩnh vực điện tử tại Việt Nam cho biết, từ khâu chuẩn bị đến đi vào hoạt động mất 2 năm và sau đó mất tới 2 năm nữa để tìm kiếm các nhà cung cấp tại Việt Nam nhưng không có, lại phải nhờ đến các DN từ Nhật Bản. Các nhà đầu tư Nhật tìm nhà cung cấp linh kiện bản địa suốt thời gian dài nhưng vô vọng vì số lượng quá ít, sản phẩm cũng ít và chất lượng không đạt yêu cầu. Có DN còn phải tìm kiếm nhà cung cấp qua danh bạ điện thoại.

 

Ngay như ngành công nghiệp xe máy, hiện tỷ lệ nội địa hóa đạt mức trên 90% thì số lượng DN Việt Nam tham gia cung cấp linh kiện cũng không nhiều và chỉ làm những sản phẩm đơn giản. Trong số các đơn vị tham gia sản xuất linh kiện cung cấp cho DN xe máy FDI, tới 50% là nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, 30% đến từ các nước khác như Hàn Quốc, Thái Lan... DN Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20%. Nếu chia sản xuất linh kiện xe máy làm 2 loại là cứ có thiết bị sẽ làm được và phải có nghiên cứu phát triển, thì các DN Việt Nam chỉ làm được loại thứ nhất, tức là chỉ cần có thiết bị là làm được, còn loại thứ 2 phải có đầu tư cho nghiên cứu phát triển thì không đóng góp được gì, chính vì vậy mà sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng thấp.

 

Mất cơ hội

 

Nhiều DN cho biết, mục đích tăng tỉ lệ nội địa không phải để chuẩn bị cho lộ trình hội nhập AFTA vào năm 2018 mà là để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Theo tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), có tới 70% số DN Nhật mong muốn tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam. Tăng nội địa hóa tại Việt Nam rất quan trọng bởi nó sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo thời gian cung ứng hàng và nâng cao năng suất.

 

Hiện nguồn cung ứng từ Nhật Bản vẫn chiếm tới 55,3% và các DN Nhật mong muốn giảm tỷ lệ nhập khẩu linh kiện từ Nhật Bản. Nếu không đạt được yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa thì thời gian tới, khả năng cạnh tranh của các DN Nhật Bản tại Việt Nam sẽ rất khó khăn.

 

Theo ông Motonobu Sato - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), cần phải tạo ra sự liên kết giữa DN Nhật Bản và Việt Nam để cùng phát triển công nghiệp hỗ trợ, cùng chia sẻ, chuyển giao công nghệ, tuy nhiên chính sách phải tốt và ưu đãi phải hấp dẫn cùng nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng, nếu không sẽ chẳng có cơ hội.

 

Công nghiệp hỗ trợ yếu kém sẽ là thách thức lớn với Việt Nam khi thời điểm hội nhập AFTA đến gần. Đến 2015 Hiệp định AFTA có hiệu lực và đến 2018 các sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan, khi đó DN sẽ tự do hơn về biên giới, về giao dịch kinh tế, họ sẽ cân nhắc xem tìm nơi đầu tư có môi trường thuận lợi để đầu tư và tất nhiên những nơi có công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh như Thái Lan, Indonesia... sẽ được ưu tiên, còn Việt Nam sẽ bị bỏ rơi.

 

Theo Trần Thủy

VEF