Ông Việt kiều về nước dọn... rác!

Một Việt kiều Mỹ đã đầu tư số vốn lên đến hơn 400 triệu USD cho một dự án xử lý rác lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Tại cuộc họp báo ngày 16/6, ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết trong dịp Thủ tướng Phan Văn Khải đi thăm và làm việc tại Mỹ, có một số dự án lớn của các nhà đầu tư Mỹ sẽ được cấp phép như dự án Sài Gòn Atlantic, dự án First Century... và đặc biệt là dự án xử lý chất thải rắn tại TPHCM.

 

Dự án xử lý chất thải rắn mà ông Thắng nói chính là dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM) do Công ty California Waste Solutions (Mỹ) của anh David Dương,.

 

Tối 14/7, anh David Dương cho biết ngày 16/7 tới đây, lễ động thổ xây dựng cây cầu - công trình hạ tầng đặc biệt quan trọng phục vụ cho dự án sẽ diễn ra. Biết bao công sức, kinh phí khảo sát cộng với sự hỗ trợ của chính quyền TPHCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giúp người Việt kiều có tấm lòng đối với quê hương này được cụ thể bằng hóa bằng sự kiện này.

 

California Waste Solutions, công ty mà David Dương là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc là một công ty ở California (Mỹ), hoạt động trong lĩnh vực thu gom, tái chế và quản lý chất thải rắn 13 năm qua.

 

Waste Age, một tạp chí chuyên ngành về xử lý chất thải của Mỹ đã xếp hạng California Waste Solutions thứ 16 trong tổng số 100 công ty hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực này. Rất bận bịu với công việc điều hành 4 nhà máy xử lý chất thải ở Mỹ, 1 nhà máy ở Philippines, nhưng nhà đầu tư Việt kiều này luôn mong ước quay về đóng góp cho quê hương.

 

Anh David Dương bộc bạch: "Từ năm 1994, tôi đã nghĩ về một dự án xử lý rác hiện đại cho TPHCM, giúp thành phố giải quyết vấn đề rác thải, bảo vệ môi trường, một vấn đề lớn mà đô thị lớn nào trên thế giới cũng gặp phải. Khu liên hợp là phương án mang lại lợi nhuận và đạt hiệu quả nhất trong việc tái chế, xử lý rác. Dự án còn mang lại việc làm mới cho khoảng 130 lao động địa phương. Là người Mỹ gốc Việt, tôi rất vui và tự hào vì có thể đem lại một dự án đầy lợi ích như thế cho quê hương mình".

 

Để thực hiện dự án này trong 50 năm tới, Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Viet Nam Waste Solutions) 100% vốn đầu tư nước ngoài do David Dương thành lập sẽ phải đầu tư một số vốn khổng lồ lên đến hơn 400 triệu USD, trong đó riêng số vốn đầu tư ban đầu đã là 107 triệu USD. Công trình này sẽ gồm một nhà máy phân loại rác, một nhà máy sản xuất phân vi sinh compost và bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh. Các nhà máy này sẽ hoạt động đồng bộ nhằm giảm thiểu khối lượng rác thải phải chôn lấp.

 

Có thể hình dung quy trình hoạt động của khu liên hợp này như sau: Trước tiên, rác đi qua nhà máy phân loại, được tách lọc những vật liệu có thể tái chế được như nhựa, bao nilon, kim loại, giấy. Trong tương lai, những vật liệu này sẽ được tái chế thành vật liệu xây dựng.

 

Các chất hữu cơ trong rác thải sau đó sẽ được tách ra để sản xuất phân bón. Các chất còn lại sẽ được đem chôn tại bãi chôn lấp. Toàn bộ khu liên hợp xử lý chất thải rắn có diện tích 128 ha, với khả năng xử lý tối thiểu là 3.000 tấn rác/ngày. Như vậy, mỗi ngày, khu xử lý rác của anh David Dương sẽ "ngốn" hơn phân nửa lượng rác của thành phố (khoảng 5.000 tấn rác/ngày), giải quyết đáng kể một trong những vấn đề "đau đầu" nhất trong quản lý đô thị của thành phố.

 

Nhà máy phân loại có công suất tối thiểu là 500 tấn/ngày và nhà máy compost có khả năng chế biến đến 1.000 tấn nguyên liệu rác mỗi ngày thành khoảng 600 tấn phân hữu cơ, vừa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước vừa xuất khẩu. Đặc biệt, bãi chôn lấp được thiết kế theo công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ, đáp ứng tối đa tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

 

Chuyên viên kỹ thuật môi trường của công ty, ông Paul Rottenberg cho biết: "Khi rác bắt đầu phân hủy, nó sẽ tạo ra hai chất phụ có hại cho sức khỏe, đó là nước thải (còn gọi là nước rỉ rác) và khí gas (metan). Bãi chôn lấp sẽ có hệ thống thu hồi và xử lý hai chất phụ này với hiệu quả cao nhất để không làm ảnh hưởng đến môi trường. Nước rỉ rác sẽ được xử lý theo công nghệ kết hợp giữa hóa học và sinh học. Còn khí metan sẽ được dùng để sản xuất điện cung cấp cho cả khu liên hợp này".

 

"Không chỉ ở TPHCM thôi, tôi còn mong muốn sẽ tiếp tục đầu tư những khu liên hợp xử lý rác hiện đại tương tự ở các thành phố khác như Đà Nẵng, Cần Thơ...", anh David Dương nói. Trước mắt, anh cũng chưa thể dành nhiều thời gian để ở Việt Nam dù anh rất muốn bởi đang có thêm hai nhà máy nữa sắp được anh khởi công xây dựng ở Mỹ, một dự án khác ở Philippines cũng đang được anh triển khai...

 

Theo Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm