1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Ông trùm” ngành mía đường hoàn tất việc trả 410 tỷ đồng cổ tức

(Dân trí) - Doanh nghiệp lớn nhất của ngành mía đường Việt Nam đã hoàn tất việc trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức 8% cho cổ đông trong niên độ 2017-2018.

Việt Nam có thể thiếu 30% đường

Trao đổi với Dân Trí, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho biết, trong 2 năm qua, ngành mía đường đã gặp vô vàn khó khăn và thử thách. Dự báo, trong niên độ 2019-2020 thì nhiều nước trên thế giới sẽ thiếu hụt một lượng đường rất lớn.

“Việt Nam cũng không nằm ngoài việc thiếu hụt đường, đất nước chúng ta có thể sẽ thiếu hụt khoảng gần 30% đường trong thời gian tới. Đây cũng là dự báo cho các doanh nghiệp mía đường như chúng tôi để chuẩn bị nguồn nguyên liệu, sản phẩm để đáp ứng được dự báo này”, ông Đặng Văn Thành nói.

“Ông trùm” ngành mía đường hoàn tất việc trả 410 tỷ đồng cổ tức - 1

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC).

Theo báo cáo thị trường của LMC Sugar & Sweeteners Market Report tháng 6/2019, thị trường đường thế giới dự báo sẽ chuyển từ thặng dư 2,6 triệu tấn trong niên độ 18-19 sang thâm hụt 3,1 triệu tấn vào niên độ 19-20.

Riêng khu vực Châu Á sẽ thâm hụt đến 9,5 triệu tấn. Giá đường được dự báo là  sẽ có chiều hướng tăng tích cực và kỳ vọng sẽ đạt mốc 14,5Uscents/Pound vào đầu năm 2020.

Nguyên nhân thâm hụt đường chủ yếu là do sự ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, cũng như xu hướng chuyển dịch sang sản xuất Ethanol từ mía đã khiến cho sản lượng sản xuất của các quốc gia mía đường chính trên thế giới bị cắt giảm, đồng thời tồn kho cao từ những mùa vụ trước cũng khiến cho các nhà máy này chủ động cắt giảm sản lượng sản xuất.

Thái Lan, quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực đang dự báo sản lượng đường của nước này có thể đạt 13 triệu tấn trong niên vụ 19-20, giảm 1 triệu tấn so với 18-19 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, El Nino.

Thái Lan cũng đang xem xét tính thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm nước ngọt, còn Malaysia thì đã áp thuế các mặt hàng nước ngọt có ga và nước trái cây kể từ ngày 1/7/2019. Đây cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn cung đường của 2 quốc gia này.

Nguồn cung cũng ảnh hưởng một phần khi Ấn Độ dự báo giảm sản lượng giảm xuống còn 29,5 triệu tấn trong niên độ 19-20, thay vì 32 triệu tấn như niên độ trước đó. Ấn Độ cũng là quốc gia châu Á thuộc Top 5 nhà sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu của thế giới.

“Ông trùm” ngành mía đường hoàn tất việc trả 410 tỷ đồng cổ tức - 2

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam dự báo có thể sẽ thiếu đường trong thời gian tới.

Trong khi các nước sản xuất mía đường hàng đầu đang giảm sản lượng thì một số quốc gia đang gia tăng sản lượng nhập khẩu đường.

Điển hình như Malaysia và Indonesia - quốc gia từng là nhà xuất khẩu đường thứ 2 thế giới nhưng đến nay lại là nhập khẩu đường thứ 2, sau Trung Quốc.

Giai đoạn 2000-2008, Indonesia sản xuất 1,5-2,8 triệu tấn đường. Tuy nhiên, đến năm 2018, lượng đường sản xuất của Indonesia giảm xuống còn 2,2 triệu tấn và năm 2019 chỉ còn 2,1 triệu tấn. Trong khi sản lượng đường tiêu thụ hàng năm của Indonesia ở mức 6 triệu tấn, khoảng thiếu hụt cần phải bù đắp bằng nhập khẩu vào khoảng 3,9 triệu tấn, trong khi Trung Quốc là 6 triệu tấn.

Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp mía đường tại Việt Nam “bước vào” những thị trường nói trên. Việc nhiều doanh nghiệp Việt đang mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất mía đường sang Lào, Campuchia đang là những hướng đi phù hợp.

Lào và Campuchia có nhiều vùng đất còn hoang sơ, chưa bị ô nhiễm bởi quá trình canh tác hoá, diện tích canh tác lớn và liền thửa có thể áp dụng cơ giới hóa trên cánh đồng mẫu lớn để triển khai sản xuất mía Organic theo tiêu chuẩn châu Âu.

“Ông trùm” ngành mía đường hoàn tất việc trả 410 tỷ đồng cổ tức - 3

Nhiều quốc gia tăng nhập khẩu đường sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

"Trùm" ngành mía đường trả 410 tỷ đồng cho cổ đông

Ngày 26/6, Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar, mã CK: SBT) cho biết, đơn vị này đã ban hành Nghị quyết HĐQT thông qua phương án chi trả cổ tức bằng tiền 4% còn lại cho niên độ 17-18.

Tỷ lệ cổ tức tạm ứng trước đó là 4% và đã hoàn thành vào ngày 25/1/2019. Tỷ lệ cổ tức chi trả còn lại là 4%, tức mỗi cổ phần sở hữu nhận được 400 đồng tiền mặt.

Thành Thành Công – Biên Hòa sẽ sử dụng hơn 210 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để chi trả cho cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách tại ngày chốt danh sách cổ đông hưởng quyền.

Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 10/7/2019, ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 9/7/2019 cũng là ngày giá cổ phiếu SBT điều chỉnh kỹ thuật và thời gian thực hiện chi trả dự kiến là ngày 9/8/2019.

Như vậy, SBT đã hoàn thành trả cổ tức tiền mặt 8% cho cổ đông niên độ 17-18 như cam kết với tổng số tiền thực hiện chi trả lên tới gần 410 tỷ đồng.

Hiện nay, SBT đang có 16 sản phẩm đường lưu hành trên thị trường từ sản phẩm cao cấp nhất là đường organic dành cho xuất khẩu đến đường RE thượng hạng, đường RS, đường phèn, đường vàng, đường chức năng, đường ăn kiêng, đường lỏng, đường que, đường thỏi…

Theo đại diện của SBT, doanh nghiệp này đang tập trung vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để hướng tới việc gia tăng thị phần trước khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực với giá bán hợp lý và cạnh tranh.

Trong tương lai, những sản phẩm đường có giá trị cao, cũng như những sản phẩm cạnh đường – sau đường sẽ được tung ra thị trường để phục vụ người dân và nâng cao hiệu quả khai thác chuỗi giá trị cây mía.

Đại Việt