"Ông trùm hàng hiệu" chi đậm bước vào ngành dịch vụ hàng không

(Dân trí) - Nhóm 3 công ty IPP, ACFC, DAFC trực thuộc IPP Group do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch sẽ mua vào 31 triệu cổ phần, chiếm 23,6% vốn điều lệ Sasco để trở thành các cổ đông chiến lược của công ty này vào đợt IPO tới.

Sasco Duty Free đã nâng tổng số sản phẩm kinh doanh lên 12.000 sản phẩm thương hiệu cao cấp.
Sasco Duty Free đã nâng tổng số sản phẩm kinh doanh lên 12.000 sản phẩm thương hiệu cao cấp.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* PTT sẽ góp 40% vốn cho dự án Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội
* ADB: Mức chi tiêu 1,25 USD/ngày chưa phản ánh đầy đủ tình trạng nghèo đói cùng cực
* Vào chơi casino để 'sát phạt' hay giải trí?

* Việt Nam tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp
* Người nước ngoài "để mắt" tới bất động sản Đà Nẵng
* Nhóm công ty nhà Jonathan Hạnh Nguyễn đổ vốn vào Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất

Theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), dự kiến Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào 9h sáng 18/9/2014 tại HoSE.

Sasco là công ty đa ngành, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực bán lẻ tại các cửa hàng kinh doanh tổng hợp (kinh doanh hàng miễn thuế, xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ hành khách...); kinh doanh bất động sản; chuyển phát; dịch vụ tắm hơi, massage; du lịch... Đặc biệt, Sasco Duty Free - thương hiệu nhánh trực thuộc Sasco với chức năng chính là tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất, đã nâng tổng số sản phẩm kinh doanh lên khoảng 12.000 sản phẩm đến từ các thương hiệu cao cấp (rượu, thuốc lá, thực phẩm, hàng thời trang, mỹ phẩm, nước hoa...).

Với vốn điều lệ 1.315 tỷ đồng, Sasco sẽ phát hành 131,5 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cp trong đợt IPO tới. Trong đó, cổ phần Nhà nước chiếm 67,065 triệu cổ phần (tương ứng 51% vốn điều lệ); bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 2,3 triệu cổ phần (chiếm 1,75% vốn điều lệ).

Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 31 triệu cổ phần, chiếm 23,6% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 31,1 triệu cổ phần, chiếm 23,65% vốn điều lệ (giá khởi điểm bằng mệnh giá).

Trong Quyết định được Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường ký thống qua, Sasco đã chọn được 3 nhà đầu tư chiến lược là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Imex Pan - Pacific Co.ltd - IPP), Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC), Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC). Các công ty này đều trực thuộc IPP Group của ông Jonathan Hạnh Nguyễn. Ba công ty sẽ phải chi ra tối thiểu 310,3 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần nói trên, trở thành cổ đông chiến lược của Sasco.

Cụ thể, IPP đăng ký mua 21,04 triệu cổ phần, tương ứng 16% vốn điều lệ; ACFC đăng ký mua 3,419 triệu cổ phần, tương ứng 2,6% vốn điều lệ; DAFC đăng ký mua 6,575 triệu cổ phần, tương ứng 5% vốn điều lệ.

IPP là nhà phân phối của các thương hiệu rượu cao cấp như Moet-Hennessy, RemyCointreau, Camus... tại Việt Nam. Đây cũng chính là nhà phân phối và kinh doanh độc quyền thương hiệu Chanel tại Việt nam. Công ty được nhượng quyền kinh doanh chuỗi nhà hàng Thai Village và Illy Café tại Việt Nam. 

IPP là doanh nghiệp lớn trong kinh doanh, khai thác siêu thị miễn thuế, trung tâm mua sắm thời trang cao cấp (RES ARCADE và Tràng Tiền Plaza). Công ty này do bà Lê Hồng Thủy Tiên (mẹ chồng Tăng Thanh Hà) làm đại diện pháp luật và điều hành.

Với sự tham gia đầu tư của IPP, Sasco sẽ được hỗ trợ cung cấp hàng hóa, phát triển hệ thống bán hàng, nhà hàng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, đối tác chiến lược thứ hai của Sasco - Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) là nhà phân phối độc quyền các nhãn hàng thời trang Nike, Tommy Hilifiger, CK, Diesel, Tumi... tại thị trường Việt Nam. Công ty có kinh nghiệm tổ chức, quản lý, vận hành hệ thống bán lẻ với gần 80 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. 

Sasco kỳ vọng, ACFC sẽ có khả năng hỗ trợ công ty phát triển hệ thống bán hàng, chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm quản lý bán lẻ, đào tạo đội ngũ bán hàng.

Nhà đầu tư chiến lược thứ ba - Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) là nhà phân phối các thương hiện thời trang cao cấp Salvatore Ferragamo, Versace, Burberry, Bvlgari, Lancome, Biotherm... tại Việt Nam. Công ty có năng lực, kinh nghiệm kinh doanh và am hiểu về thị trường bán lẻ thời trang cao cấp.

Khi chọn đối tác này, Sasco cho rằng, DAFC sẽ hỗ trợ công ty phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh ngành hàng tiêu dùng cao cấp, xây dựng hệ thống phân phối các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng trên thế giới để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Tại thời điểm 31/12/2013, giá trị thực tế của Sasco được định giá xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Trong 3 năm 2011-2013, các chỉ tiêu kinh doanh của Sasco đạt tăng trưởng khả quan. Lãi sau thuế năm 2013 ghi nhận 92,4 tỷ đồng, ROE (lợi nhuận/vốn) đạt 10,13% và ROA (lợi nhuận/tài sản) là 5,91%.

Mai Chi
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước